1. BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là Phong trào nhân đạo lớn nhất thế giới, hoạt động trên toàn cầu, bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ/Pha lê đỏ quốc gia.
Năm 1859, Henry Dunant - một thương nhân Thụy Sĩ vô tình đi qua chiến trường Solferino (Ý) và chứng kiến cuộc giao chiến khốc liệt giữa quân đội Áo và liên quân Pháp - Ý. Ông đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào. Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong một cuốn sách có tên gọi "Ký ức về Solferino" và đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Dấu hiệu "Chữ thập đỏ trên nền trắng" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1863, là biểu tượng của những tổ chức cứu trợ thương binh.
Năm 1864, biểu tượng Chữ thập đỏ chính thức được công nhận trở thành biểu tượng của Phong trào. Màu sắc của biểu tượng ngược với quốc kỳ Thụy Sĩ nhằm tôn vinh quê hương của Henry Dunant - Người sáng lập ra Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam kí tham gia 4 Công ước Giơnevơ 12/8/1949 - bộ phận quan trọng cấu thành Luật Nhân đạo quốc tế - trong đó bao gồm những nội dung liên quan đến việc bảo hộ Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Năm 1929, có thêm biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ. Biểu ưtơngj này được sử dụng tại các quốc gia không muốn sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, không giới hạn trong các nước Hồi giáo.
Năm 2005, có thêm biểu tượng Pha lê đỏ dành cho các nước không sử dụng hai biểu tượng trên.
2. BIỂU TƯỢNG ĐƯỢC SỬ DỤNG VỚI MỤC ĐÍCH GÌ VÀ SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
• Mục đích BẢO VỆ (đây là mục đích cơ bản): Khi có xung đột vũ trang, các bên tham chiến không được tấn công, xâm phạm những nơi có biểu tượng. Biểu tượng phải có kích thước lớn.
• Mục đích NHẬN DIỆN: Được sử dụng chủ yếu trong thời bình để nhận biết một cá nhân, tổ chức, tài sản, phương tiện có liên quan tới Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc một Hội quốc gia. Biểu tượng/biểu trưng thường có kích thước nhỏ.
“Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ; Biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động Chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này” – Điều 14, chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
3. AI/TỔ CHỨC NÀO ĐƯỢC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG?
Các tổ chức quốc tế trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, được sử dụng biểu tượng trong mọi thời điểm. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trong biểu trưng của Hội để biểu thị mối liên hệ với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
• Trong thời bình:
- Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
- Phương tiện, cơ sở vật chất của Hội Chữ thập đỏ.
- Nhân viên y tế, cơ sở y tế và phương tiện y tế thuộc các lực lượng vũ trang.
- Xe cứu thương và trạm sơ cấp cứu có nhiệm vụ chăm sóc miễn phí cho người bị thương và người bệnh, phù hợp với pháp luật Việt Nam và được sự cho phép của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
(1 ảnh hoạt động)
• Trong xung đột vũ trang:
- Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
- Phương tiện, cơ sở vật chất của Hội Chữ thập đỏ.
- Nhân viên y tế, cơ sở y tế và phương tiện y tế thuộc các lực lượng vũ trang.
- Nhân viên y tế dân sự, bệnh viện và các đơn vị y tế dân sự khác có nhiệm vụ điều trị và chăm sóc người bị thương và đau ốm được sự cho phép và chịu sự kiểm soát của Chính phủ.
“Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động Chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ; Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Giơ-ne-vơ có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” – Điều 15, Chương III, Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
4. BIỂU TƯỢNG (EMBLEM) VÀ BIỂU TRƯNG (LOGO) KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
• Biểu tượng: Là dấu hiệu Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ/Pha lê đỏ trên nền trắng
• Biểu trưng: Sử dụng biểu tượng là nền tảng, kết hợp với các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ tên quốc gia/tổ chức (VD: Các Hội quốc gia, Hiệp Hội, Ủy ban)
5. CÁC THÀNH PHẦN TRONG PHONG TRÀO CHỮ THẬP ĐỎ VÀ TRĂNG LƯỠI LIỀM ĐỎ QUỐC TẾ SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG/BIỂU TRƯNG NÀO?
Các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đều có biểu trưng riêng được thiết kế dựa trên nền tảng là biểu tượng Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ hoặc Pha lê đỏ trên nền trắng đi kèm với các chi tiết hình họa và chữ.
6. NHỮNG ĐIỀU KHOẢN NÀO CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG?
Các Công ước Giơ-ne-vơ nêu ra ba loại biểu tượng: Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Sư tử và Mặt trời đỏ. Đến nay có thêm biểu tượng Pha lê đỏ. Tuy nhiên hiện nay chỉ sử dụng ba biểu tượng: Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Pha lê đỏ, còn biểu tượng Sư tử và Mặt trời đỏ không được sử dụng nữa.
Các Công ước và Nghị định thư bổ sung bao gồm nhiều điều khoản về biểu tượng. Một số điều khoản nêu cụ thể cách thức sử dụng, kích thước, mục đích và nơi đặt biểu tượng; đối tượng và tài sản được sử dụng biểu tượng; biểu tượng phải được tôn trọng và biện pháp trừng phạt đối với sự lạm dụng biểu tượng.
• Khi xảy ra xung đột vũ trang, biểu tượng được sử dụng như tín hiệu bảo vệ chỉ trong các trường hợp sau:
- Các đơn vị cứu thương của các lực lượng vũ trang;
- Các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia được các chính phủ hoàn toàn công nhận và ủy nhiệm làm công tác y tế trong các lực lượng vũ trang. Các Hội quốc gia có thể sử dụng các biểu tượng như tín hiệu bảo vệ cho các nhân viên và trang thiết bị y tế khi chính thức tham gia phục vụ trong thời chiến, với điều kiện là các nhân viên và trang thiết bị đó có cùng nhiệm vụ và phải tuân thủ các quy tắc và điều lệnh quân sự;
- Các bệnh viện dân sự và các trạm y tế khác được Chính phủ công nhận và cho phép sử dụng biểu tượng làm tín hiệu bảo vệ (ví dụ: các trạm sơ cấp cứu, xe cứu thương v.v…);
- Các cơ quan cứu trợ tình nguyện khác cũng được hưởng những điều kiện giống các Hội quốc gia nhưng phải được chính phủ công nhận và cho phép có thể dùng biểu tượng cho các nhân viên và trang thiết bị dành phục vụ riêng công tác y tế và phải tuân thủ các quy tắc và các điều lệnh quân sự.
Luật Nhân đạo quốc tế cũng chỉ rõ rằng mỗi bên tham gia các Công ước Giơ-ne-vơ đều phải cam kết áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt việc lạm dụng biểu tượng cả trong thời chiến và thời bình và phải ban hành các quy định về việc tôn trọng biểu tượng.
• Vi phạm biểu tượng:
Bất kỳ sử dụng biểu tượng nào mà không được Luật Nhân đạo quốc tế cho phép đều bị coi là vi phạm biểu tượng.
Lạm dụng biểu tượng vào mục đích bảo vệ trong thời chiến đã gây nên sự thách thức đối với hệ thống bảo hộ do Luật Nhân đạo Quốc tế xác lập nên.
Lạm dụng biểu tượng vào mục đích nhận diện sẽ hạ thấp hình ảnh của biểu tượng trong mắt công chúng và hậu quả là sẽ giảm hiệu lực của biểu tượng khi xảy ra chiến tranh.
Các bên ký kết Công ước Giơ-ne-vơ cam kết sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn và hạn chế việc lạm dụng biểu tượng trong cả thời bình và thời chiến.
7. CÁC HÌNH THỨC VI PHẠM BIỂU TƯỢNG?
Bất kỳ sử dụng biểu tượng nào mà không được Luật Nhân đạo quốc tế cho phép đều bị coi là vi phạm biểu tượng. Thông thường có ba hình thức vi phạm như sau:
• Bắt chước: là sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn.
(hình ảnh minh họa)
• Sử dụng sai (lạm dụng): Không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
(hình ảnh minh họa)
• Đánh lừa (xảo trá): là sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ để bảo vệ binh lính và các phương tiện chiến tranh với ý đồ đánh lạc hướng đối phương. Đây được coi là tội ác chiến tranh nếu gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Việc sử dụng biểu tượng để đánh lừa như thế có thể cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo quốc tế, có thể bị kết án là tội phạm chiến tranh.
(hình ảnh minh họa)
8. BIỂU TƯỢNG BỊ VI PHẠM SẼ GÂY RA NHỮNG HẬU QUẢ GÌ?
• Vi phạm biểu tượng vào mục đích bảo vệ trong thời chiến đã gây nên sự thách thức đối với hệ thống bảo hộ do Luật Nhân đạo Quốc tế xác lập nên.
• Vi phạm biểu tượng vào mục đích nhận diện sẽ hạ thấp hình ảnh của biểu tượng trong mắt công chúng và hậu quả là sẽ giảm hiệu lực của biểu tượng khi xảy ra chiến tranh.
• Việc vi phạm các biểu tượng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu cho những người cần giúp đỡ nhất trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp xấu nhất có thể rủi ro đến tính mạng nếu biểu tượng được dùng bởi những người không được phép làm như vậy.
Hãy xem xét các ví dụ sau:
• Một cuộc xung đột vũ trang đang xảy ra ở nước bạn. Cuộc pháo kích lớn diễn ra ở khu vực đông dân cư. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị thương và nhà cửa bị phá hủy. Nhân viên mang Biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ đến chăm sóc người bị thương nhưng bị dừng lại ở trạm kiểm soát và không được phép vào khu vực này. Nguyên nhân là do trước khi cuộc xung đột nổ ra, các biểu tượng đã được dùng tự do bởi cộng đồng y tế và được các công ty tư nhân sử dụng cho mục đích thương mại. Thậm chí, trong cuộc xung đột vũ trang, một số máy bay chiến đấu, xe cứu thương được đánh dấu chữ thập đỏ hoặc trăng lưỡi liềm đỏ cũng đã vận chuyển trái phép vũ khí và đạn dược. Vì không ai hiểu mục đích, ý nghĩa của Biểu tượng và không tin tưởng các Biểu tượng trên nên nhân viên y tế đã không được phép cung cấp trợ giúp và sẽ có rất nhiều người thiệt mạng.
• Một cơn bão lớn tấn công ngôi làng của bạn. Nhà của bạn bị phá hủy. Gia đình bạn bị thương và cần giúp đỡ nhanh chóng. Những nhân viên Hội Chữ thập đỏ đến làng của bạn để cứu trợ nhưng họ bị chặn không được vào. Các quan chức địa phương nghi ngờ rằng các biểu tượng được liên kết với một chương trình nghị sự chính trị, vì một biểu tượng gần giống với chữ thập đỏ đã xuất hiện bởi một bên trong chiến dịch bầu cử gần đây. Họ không hiểu rằng sự trợ giúp của Hội Chữ thập đỏ là trung lập và vô tư. Điều này dẫn đến việc gia đình bạn không nhận được sự trợ giúp cần thiết và nhiều người trong cộng đồng của bạn sẽ thiệt mạng.
• Một nhóm người lợi dụng người khuyết tật mặc áo mang biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và dựng sân khấu ven đường biểu diễn văn nghệ để quyên góp từ thiện. Biểu trưng cũng xuất hiện trên phông sân khấu và thùng quyên góp. Rất nhiều người dân đi qua đã dừng lại để bỏ tiền ủng hộ. Đây không phải là hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Qua báo chí phản ánh, nhóm người này đã lợi dụng hình ảnh, uy tín của Hội Chữ thập đỏ để đánh lừa lòng tốt người dân và lừa chính những người khuyết tật. Với số tiền thu được họ chỉ trả rất ít cho những người khuyết tật. Việc làm này đã làm ảnh hưởng hình ảnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hạ thấp uy tín của tổ chức Hội.
9. TẠI SAO CẦN BẢO VỆ VÀ TÔN TRỌNG BIỂU TƯỢNG?
Việc vi phạm biểu tượng có thể gây nguy hiểm đối với mục đích bảo vệ của biểu tượng trong các cuộc xung đột vũ trang vì các bên tham chiến mất niềm tin vào ý nghĩa của biểu tượng. Bằng cách làm suy yếu tình trạng của biểu tượng trong các cuộc xung đột vũ trang hoặc trong thời bình,
Việc vi phạm biểu tượng cũng có thể cản trở hoặc gây nguy hiểm đối với các dịch vụ y tế quân sự và nhân viên Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ khi tiếp cận với người dân và cộng đồng trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngay cả ở các quốc gia không gặp phải bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các biểu tượng được sử dụng chính xác để cộng đồng hiểu mục đích của biểu tượng. Trong tình huống bất ổn dân sự hoặc thảm họa tự nhiên xảy ra, khi các nhân viên và tình nguyện viên mang biểu tượng làm nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng bị ảnh hưởng, mọi người cần biết rằng đó là các giá trị trung lập, độc lập, vô tư, để từ đó cấp cho họ quyền tiếp cận an toàn.
10. BIỂU TRƯNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với nền tảng là “chữ thập đỏ trên nền trắng” - Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ -Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - kết hợp cùng các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ “Chữ thập đỏ Việt Nam”.
Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thể hiện nét trang trọng, đẹp, có tính tôn vinh, cổ vũ hoạt động Chữ thập đỏ. Trung tâm Biểu trưng là Biểu tượng Chữ thập đỏ. Bao lấy hình tượng trung tâm là 2 cành tre cách điệu nằm trong 2 vòng tròn như hai vòng ôm che chở, làm nổi bật hình tượng Chữ thập đỏ, thể hiện sự chung sức, chung lòng vì hoạt động nhân đạo. Lá tre màu xanh đậm thể hiện sự tươi xanh, cũng là hình ảnh đặc trưng rất gần gũi và thân thiện của đất nước, con người Việt Nam. Dòng chữ “Việt Nam” ở phía dưới khoẻ khoắn như một chân đế vững chắc cho sự phát triển của hoạt động Chữ thập đỏ.
Hình và màu của Biểu trưng giản dị, hiện đại, trong sáng, giàu ý nghĩa, có khả năng gây ấn tượng mạnh, phù hợp với việc phóng to thu nhỏ cũng như thể hiện được trên mọi chất liệu. Đây là mẫu Biểu trưng không trùng lặp; thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng (kể cả với người nước ngoài); thể hiện được bản sắc dân tộc, truyền thống nhân ái của dân tộc và đặc trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Biểu trưng này được Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức thông qua ngày 14/01/2010.
Biểu trưng đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận bản quyền tháng 7/2013 (Số đăng ký: 2495/2013/QTG ngày 4/7/2013).
11. LUẬT HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ QUY ĐỊNH SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG NHƯ THẾ NÀO?
Ở Việt Nam, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 ban hành ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009 đã quy định rất rõ các vấn đề liên quan đến biểu tượng Chữ thập đỏ.
Điều 14 – Chương III quy định về Biểu tượng trong hoạt động CTĐ ghi rõ: “(1)- Biểu tượng CTĐ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng CTĐ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ; (2)- Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.
Điều 15 – Chương III nêu rõ: “(1)- Biểu tượng CTĐ được sử dụng khi tiến hành hoạt động CTĐ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội CTĐ; (2)- Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ được sử dụng theo quy định của các công ước Giơ-ne-vơ có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Chương I – Những quy định chung, khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi “Sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật”.
12. CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VÀ BỘ Y TẾ ĐÃ CÓ NHỮNG VĂN BẢN PHÁP LÝ NÀO QUY ĐỊNH VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ?
- Ngày 25/02/1958, Thông tư số 100/BYT-TT của Bộ Y tế về việc sử dụng dấu hiệu hồng thập tự trong ngành dân y.
- Ngày 18/02/1994, Bộ Y tế ban hành văn bản tiếp tục chấn chỉnh và nhắc lại việc sử dụng dấu hiệu Chữ thập đỏ trong một số trường hợp sau:
• Các cơ sở y tế có nhiệm vụ cấp cứu (nơi tiến hành cấp cứu). Các bệnh viện có thu phí không được dùng dấu hiệu Chữ thập đỏ ở bảng cổng bệnh viện.
• Các phòng khám, phát thuốc nhân đạo; Các xe cấp cứu và chống dịch, thiên tai, thảm họa; Người làm công tác phòng bệnh, kiểm dịch y tế tại biên giới được sử dụng dấu hiệu Chữ thập đỏ với các điều kiện sau:
a) Không thay đổi hình thức hoặc màu sắc của dấu hiệu.
b) Chỉ mang trong khi thừa hành nhiệm vụ
c) Có sự thỏa thuận của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
- Ngày 29/10/2009, Công văn số 7464/BYT-KCB về việc thực hiện quy định sử dụng biểu tượng CTĐ chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ, Y tế các bộ, ngành. Theo đó, các cơ sở y tế chỉ sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ khi tham gia các hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định tại điều 2 Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
Tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài cơ sở y tế không phải hoạt động chữ thập đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, ngành cần thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật liên quan đến việc sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ.
- Ngày 30/11/2015, Thông tư số 45/2015/TT-BYT quy định về trang phục y tế. Tại khoản 3, điều 3 của Thông tư chỉ rõ “Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ”.
- Ngày 01/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về Quy định cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, Điều 41 (chương III, mục 1) quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu”.
13. VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ Ở VIỆT NAM BỊ RÀNG BUỘC BỞI CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LÝ NÀO?
- Luật Nhân đạo quốc tế: Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam kí tham gia 4 Công ước Giơnevơ 12/8/1949 - bộ phận quan trọng cấu thành Luật Nhân đạo quốc tế - trong đó bao gồm những nội dung liên quan đến việc bảo hộ Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Với việc ký tham gia Công ước này, ngày 4/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
- Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 ban hành ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009.
- Tháng 7/2013, Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- Các văn bản của Chính phủ và Bộ Y tế.
14. LỰC LƯỢNG QUÂN Y VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN CỦA ĐƠN VỊ QUÂN Y CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ KHÔNG? VÌ SAO không?
Có được Chính phủ cho phép sử dụng để chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống nếu có xung đột vũ trang xảy ra thì đây là lực lượng cứu chữa thương bệnh binh trên chiến trường.
15. CÁC ĐƠN VỊ HỢP TÁC VỚI HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ HOẶC BIỂU TRƯNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM KHÔNG?
Được sử dụng trong các hoạt động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức và được Hội cho phép.
16. XE CẤP CỨU CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ KHÔNG?
Chỉ được phép sử dụng khi có nhiệm vụ chăm sóc miễn phí cho người bị thương, bị bệnh, phù hợp với luật pháp Việt Nam và được sự cho phép của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
17. NẾU PHÁT HIỆN VI PHẠM BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ, BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ BIỂU TƯỢNG?
Nếu bạn thấy các biểu tượng bị vi phạm, bạn nên thông báo cho Hội Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia. Trong hầu hết các trường hợp, những người sử dụng sai các biểu tượng làm như vậy đơn giản chỉ vì họ không nhận thức được mục đích của các biểu tượng và cách sử dụng biểu tượng.
Một biểu tượng khác thay thế có thể thích hợp để ngăn ngừa nhầm lẫn và sử dụng sai. Ví dụ, cộng đồng y tế có thể sử dụng một trong nhiều dấu hiệu được quốc tế công nhận để nhận biết xe cứu thương, bệnh viện, trạm sơ cấp cứu và nhà thuốc.
Nếu bạn phát hiện những trường hợp vi phạm biểu tượng/ biểu trưng chữ thập đỏ ở Việt Nam, hãy liên hệ với chúng tôi:
*Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Địa chỉ: 82 Nguyễn Du - Hà Nội
Hotline: 024 38224030 (máy lẻ 504 - 505)
Email: bantuyentruyenctd@gmail.com
HOẶC:
*Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố để chúng tôi có những biện pháp xử lý kịp thời.