Tập tin đính kèm
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
(23/11/1946 – 23/11/2024)
Vinh dự, tự hào là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên, 78 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
1. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự, tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, sáng lập
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và có lời khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trải qua các kỳ Đại hội
Đại hội Đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ I diễn ra ngày 23/11/1946 tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và bầu Ban Chấp hành do Bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Hội trưởng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II tổ chức ngày 19/11/1960. Trước đó, ngày 05/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước gửi công hàm đến Chính phủ Liên Bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 công ước Geneve năm 1949 về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 04/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận chính thức là thành viên Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III tổ chức ngày 15-16/12/1965. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch danh dự của Hội, Đại hội đã nhất trí đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV diễn ra ngày 10-11/12/1971. Đại hội khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia cấp cứu thương binh, nạn nhân chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh, hoạt động hợp tác quốc tế. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V tổ chức ngày 11-12/3/1988. Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Đại hội V của Hội cũng là thời điểm triển khai những định hướng cơ bản của Đảng về công tác Chữ thập đỏ theo tinh thần của Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Đại hội đã đề ra Chương trình hành động 5 năm 1988-1993 gồm 4 nội dung chính: Củng cố phát triển Hội, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện các chính sách xã hội và cứu trợ nhân đạo, hợp tác quốc tế. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân – Bộ trưởng Bộ Y tế - được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI tổ chức ngày 15-17/3/1995. Đại hội đã suy tôn Tổng Bí thư Đỗ Mười làm Chủ tịch danh dự Hội. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII diễn ra ngày 07-09/8/2001. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Trần Đức Lương là Chủ tịch danh dự của Hội. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ họp thứ 4 khóa VII, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân nghỉ hưu và thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu GS.TSKH Nguyễn Văn Thưởng – Thứ trưởng Bộ Y tế - giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII diễn ra ngày 28-29/6/2007 với chủ đề “Chung sức vì nhân đạo” xác định mục tiêu: Giáo dục truyền thống nhân ái, đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội, kiện toàn hệ thống tổ chức Hội, góp phần chăm lo đời sống sức khỏe nhân dân, thực hiện vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo”. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội. Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012-2017 với chủ đề “Đổi mới tư duy, tạo dựng vị thế, bảo vệ sự sống” diễn ra ngày 04-05/7/2012 quyết định 4 định hướng hoạt động lớn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2012-2017, đó là: Phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, phục hồi tái thiết; Chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Công tác xã hội nhân đạo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Đường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương - được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 08/01/2016, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa IX lần 5 đã bầu PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội” diễn ra ngày 15-16/8/2017, là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của Hội, hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực, các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo của Hội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Cuối năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phân công làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 13/01/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X lần 6 đã bầu Tiến sĩ Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế” diễn ra ngày 29-30/8/2022. Đại hội xác định tám nhóm chỉ tiêu cơ bản cần phải đạt được, tập trung triển khai hai khâu đột phá, một phong trào lớn, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm và hai đề án. Đó là: Đột phá về vận động chính sách và phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên; Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng” và Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch danh dự của Hội (tháng 4/2023). Tiến sĩ Bùi Thị Hòa tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
3. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình 32 năm xây dựng và trưởng thành
Tiếp bước truyền thống vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ngày 06/7/1992 Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập sau khi tái lập tỉnh Ninh Bình; trải qua 6 kỳ đại hội, hệ thống tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững chắc, đến nay toàn tỉnh có 177 cơ sở hội; 17.376 hội viên; 3.483 tình nguyện viên; 35.888 thanh thiếu niên; 190 cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm ở 3 cấp (trong đó cấp tỉnh 11 người, cấp huyện 11 người); tổng số câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện trên địa bàn toàn tỉnh là 61 Câu lạc bộ, đội, nhóm với trên 3.100 thành viên.
Trong thời gian qua công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ đã đạt được nhiều kết quả tích cực; các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội. Bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác nhân đạo. Từ những thuận lợi cơ bản đó, đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đoàn kết, phát huy vai trò, vị thế của Hội trong việc tổ chức các hoạt động nhân đạo trong suốt chặng đường 32 năm qua. Đặc biệt, năm 2024, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đó là: Công tác xây dựng tổ chức Hội được quan tâm; hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo được triển khai rộng khắp, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch; Công tác vận động hiến máu tình nguyện đạt được kết quả tích cực, tính đến ngày 05/11 toàn tỉnh đã tiếp nhận 10.159 đơn vị máu, vượt 07% kế hoạch tỉnh giao); Hội đã phối hợp tổ chức thành công Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc tại huyện Kim Sơn, qua đó đã lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, kết nối tình thương yêu giữa con người với con người trong xã hội; Trong năm có 191 người đăng ký hiến mô, tạng; 16 người hiến giác mạc lũy, 01 người hiến xác cho khoa học, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 15.451 người đã đăng ký; có 03 người hiến tạng, 01 người hiến xác và 454 người hiến giác mạc, nối dài sự sống cho nhiều người bệnh và đem lại ánh sáng cho trên 1000 người bị mù do bệnh lý giác mạc, duy trì là địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào hiến mô, tạng; công tác phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ được triển khai kịp thời; công tác tuyên truyền có bước đột phá; công tác thanh thiếu niên Chữ thập đỏ được triển khai rộng khắp, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao trách nhiệm, xây dựng lối sống lành mạnh, nhân ái của học sinh, sinh viên trong thời đại mới.
Tiêu biểu trong các hoạt động của Hội đó là: Phong trào “Tết Nhân ái” toàn Hội đã trao tặng 14.113 suất quà tết trị giá 6.467.000.000 đồng, vượt 76 % chỉ tiêu kế hoạch giao; các hoạt động tiêu biểu như: Trao tặng quà, chương trình “Vui tết cùng người bệnh” trao tặng suất cơm, cháo nghĩa tình, hộp sữa nhân ái, mừng tuổi tết… Đối tượng thụ hưởng của phong trào "Tết Nhân ái" đa dạng và mở rộng hơn như người khuyết tật, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong các trường học có hoàn cảnh khó khăn... được quan tâm; Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo": Các cấp Hội đã rà soát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo, đề xuất với các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các đối tượng, đến nay toàn tỉnh có 379 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ thường xuyên với mức từ 300.000đ -1.000.000đ/ địa chỉ/tháng, trong đó từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ 99 địa chỉ với tổng số tiền 495 triệu đồng; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” Hội đã hỗ trợ cho 10.418 em học sinh và hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh trị giá trên 600 triệu đồng; phát động chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái”, thành lập 02 đội tham gia thi đấu với trên 1.500 TNV tham gia hưởng ứng chạy bộ/đi bộ được 16.545km, đạt 82,73 triệu đồng, góp phần tạo nguồn kinh phí trao tặng yêu thương cho người khó khăn của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên.
Tổ chức thành công Lễ phát động Tháng nhân đạo năm 2024 với chủ đề "Hành trình nhân đạo – Trao tặng yêu thương”, tặng quà cho 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường THPT Bình Minh; tặng Cờ Tổ quốc, áo phao và sữa cho 25 trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT khu vực ven biển huyện Kim Sơn và các trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh; tặng quà và tri ân 123 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5); tiếp nối các hoạt động tại Lễ phát động, Tháng Nhân đạo năm 2024, các cấp Hội đã vận động được trên 2,4 tỷ đồng để trợ giúp cho 13.612 lượt người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, tổ chức và tiếp nhận gần 1.200 đơn vị máu, kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện, nhất là nhóm máu O bị thiếu cục bộ.
Bên cạnh các Phong trào, các Cuộc vận động do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, các cấp Hội đã tăng cường truyền thông trên mạng xã hội và trực tiếp vận động, kết nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các công ty truyền thông, tổ chức tốt các Chương trình như “Tặng quà đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc”, “Tặng quà người bệnh – Cùng đón chào năm mới”; “Sức mạnh cộng đồng - Hồi sinh sự sống” “Vì bạn xứng đáng”...để trao tặng quà cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ốm đau, rủi do đột xuất...., thông qua hình thức tặng quà, tặng học bổng, hỗ trợ viện phí, trợ giúp thường xuyên, cứu trợ khẩn cấp, tặng sữa, tặng xe đạp, xe lăn...
Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề; bão, lũ lụt, sạt lở đất đã làm nhiều người chết, mất tích, bị thương; trong đó tỉnh Ninh Bình có trên 5.000 hộ dân ở 02 huyện Nho Quan và Gia Viễn bị ngập nặng. Với tinh thần vì mọi người- ở mọi nơi, từ ngày 11-17/9/2024 Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ; các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận, điều phối và trực tiếp trao tặng các nguồn hàng cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến người dân vùng lũ huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư như: Gạo, mì tôm, sữa, cơm cháy, nước lọc, lương khô, bánh mì, thịt hộp, xúc xích, bánh ngọt các loại và 200 thùng hàng gia đình... góp phần động viên tinh thần và làm vơi đi những khó khăn mất mát với người dân vùng lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời ngày 13/9/2024, Hội đã kịp thời đến chia buồn, viếng 02 cháu nhỏ bị đuối nước tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan và 03 cháu đuối nước tại thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh.
Bên cạnh việc cứu trợ tại tỉnh nhà, Hội đã thành lập các đoàn thiện nguyện đi thăm, tặng quà các gia đình (107 người thiệt mạng) tại tỉnh Cao Bằng và Yên Bái; trao tặng 100 chiếc chiếu cho học sinh trường Tiểu học, THCH Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; đồng thời kết nối, tiếp nhận và điều phối trên 10 tổ chức, CLB thiện nguyện, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đi trao tặng hàng hóa, nhu yếu phẩm; thông qua những chuyến xe “0 đồng”, Hội đã vận chuyển trọn vẹn tấm lòng của người dân Ninh Bình tới bà con các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang....Tổng giá trị hàng hóa và tiền mặt được trao tặng cho người dân vùng lũ bị ảnh hưởng cơn bão số 3 trong và ngoài tỉnh là trên 17.895 suất quà, trị giá trên 5,4 tỷ đồng. Hội ghi nhận, đánh giá cao; tiêu biểu như DNTN Hoàng Sơn, Nhà hàng Tre Việt New, Công ty CP in và Văn hóa phẩm Ninh Bình, CLB Thiện Tâm Yên Mô, trường THCS Ninh Thành, CLB Truyền thông trường THPT Ninh Bình Bạc Liêu; nhân dân xã Khánh Phú, Công ty TNHH Tiến Lợi; Công ty TNHH TM&DV Thành Đồng; ông Nguyễn Văn Tuyết và các nhà hảo tâm ở Long Sơn, Vũng Tàu; Bà Đàm Ngọc Yến – DNTN vàng bạc Quang Hưng và rất nhiều các nhà hảo tâm ủng hộ qua tài khoản thiện nguyện 3505 của Hội CTĐ tỉnh.
Với truyền thống tốt đẹp và khí thế hào hùng sau 32 năm xây dựng và phát triển; với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thi đua, sáng tạo, tiếp tục “Đổi mới, vì sự phát triển bền vững”, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của tổ chức, xây dựng một xã hội nhân ái và bền vững hơn.
Một số khẩu hiệu tuyên truyền
- Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2024)
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Đổi mới vì sự phát triển bền vững
- Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái!
- Kết nối – Sẻ chia và Lan tỏa yêu thương!
- Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo!
- Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi!
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM TỈNH NINH BÌNH