A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạnh phúc vì được làm công tác Chữ thập đỏ

Bác sĩ Lê Thị Thu Thủy “bén duyên” với Hội Chữ thập đỏ bởi tấm lòng nhân ái, sự nhiệt tình, luôn mong muốn được sẻ chia khó khăn với những người kém may mắn trong xã hội. Chị từng nói với chúng tôi: “Mình hạnh phúc vì được làm công tác Chữ thập đỏ”.

Chị Lê Thị Thu Thủy (áo đỏ) cùng đội y bác sỹ tình nguyện Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

           Năm 2010, bác sĩ Lê Thị Thu Thủy, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Tâm sự với chúng tôi, chị Thủy cho biết, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “…Cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, vì thế chị luôn xác định: “Tổ chức có vững thì phong trào mới đi lên, mới đủ sức để triển khai các hoạt động”.

       Qua thời gian, với lòng nhiệt tình, nhân ái của mình, chị đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt hoạt động của Hội, cùng với tập thể Ban Thường vụ Hội bàn bạc, suy nghĩ, tìm hướng đi cho Hội Chữ thập đỏ thành phố đi lên cùng với các địa phương khác trong tỉnh.

       Bằng cách chỉ đạo kịp thời, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động cho phù hợp và giữ mối quan hệ tốt với các ban, ngành đoàn thể, cộng với nhiệt huyết, năng động đã giúp chị đẩy mạnh được hoạt động nhân đạo tại địa phương.

        Đến nay, tổ chức Hội trên địa bàn đã nhanh chóng phát triển, toàn thành phố có 124 chi hội, 1.604 hội viên, 122 tình nguyện viên và 3.500 thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và có nhiều tổ chức đội, nhóm tình nguyện viên hoạt động có hiệu quả tại cộng đồng.

        Là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, chị tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng tốt các Phong trào và các Cuộc vận động do Hội cấp trên phát động, tiêu biểu như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Hội đã tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Vận động trực tiếp các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ hoặc cùng tổ chức Phong trào; tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho hộ nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội...

        Xuân Canh Tý 2020 vừa qua, Hội trao tặng 1.200 suất quà, trị giá gần 520 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ nạn nhân chất độc da cam, đạt 150% chỉ tiêu giao. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, chị đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát và đến từng địa chỉ để khảo sát, thăm hỏi, động viên, đồng thời kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho các đối tượng đặc biệt khó khăn như trẻ em mồi côi, người già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật trên địa bàn thành phố; hiện tại có 28 địa chỉ nhân đạo đã được trợ giúp, trong đó mỗi địa chỉ được hỗ trợ từ 200.000đ – 500.000đồng/tháng…

Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp phối hợp với nhà hảo tâm tặng gạo cho địa chỉ nhân đạo trong thời điểm dịch Covid 19

       Với suy nghĩ làm nhân đạo không phân biệt biên giới, vùng miền, chị đã chủ động kêu gọi các nhà hảo tâm thành lập đoàn thiện nguyện giúp đỡ các đối tượng đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan, Kim Sơn, Yên Mô và một số huyện khó khăn của các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên…

        Tính riêng năm 2019, tổng giá trị hoạt động công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo mà Hội Chữ thập đỏ thành phố đã vận động từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm là trên 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 2.000 lượt đối tượng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

       Bên cạnh công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo, công tác HMTN của thành phố Tam Điệp đã phát triển vượt bậc. Trong 2 năm qua, Hội đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến được trên 1.000 đơn vị máu, kịp thời góp phần cùng khắc phục tình trạng thiếu máu cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh tại các Bệnh viện.

Giúp thành phố Tam Điệp trở thành điểm sáng trong công tác vận động hiến mô, tạng

      Đối với công tác vận động người dân đăng ký và hiến mô tạng, đây là lĩnh vực mới và rất khó đối với Hội chữ thập đỏ thành phố, song chị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Mắt Trung ương và các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.

       Đến nay, thành phố Tam Điệp là điểm sáng trong công tác vận động hiến mô, tạng; đã có trên 100 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời và đã có 04 ca hiến mô, tạng thành công.

       Điều đáng trân trọng ở người Chủ tịch Hội này, với hiểu biết của mình chị đã trực tiếp vận động người thân, anh em, bạn bè và các tầng lớp nhân dân đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Tháng 2/2018, em trai của chị Thủy là Thiếu tá Lê Hải Ninh không may qua đời, dù đau buồn, nhưng chị đã động viên gia đình có nghĩa cử nhân văn, hành động cao đẹp, hiến tạng của em trai để nối dài sự sống cho 5 người mắc bệnh hiểm nghèo.

      Nỗi buồn mất em trai chưa nguôi, đến tháng 10/2019, người cha của chị Thủy là ông Lê Xuân Cựu qua đời, lại một lần nữa chị nghẹn ngào nén đau thương cùng với gia đình tình nguyện hiến giác mạc của cha mình, đem lại ánh sáng cho 02 người mắc bệnh lý về mắt.

      Việc làm nhân đạo cao cả của gia đình người Chủ tịch Hội, nhiệt tình tâm huyết, đã được cộng đồng xã hội tôn vinh ghi nhận, được Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”, “Vì sự nghiệp nhân đạo”... Cùng với tâm niệm “Cho đi là còn mãi”, bản thân chị Thủy cùng người thân trong gia đình như mẹ đẻ và các em gái, em dâu của chị... đều đăng ký hiến mô, tạng và được Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cấp thẻ đăng ký hiến mô tạng.

      Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đánh giá cao kết quả của Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, một số chương trình hiến máu phải tạm hoãn. Tuy nhiên, bằng việc làm sáng tạo, vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp đã kịp thời tham mưu tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện đặc biệt tại trường H13, thu về 244 đơn vị máu, đáp ứng nhu cầu máu trong cấp cứu và điều trị bệnh.

       Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Tam Điệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, như: vận động, tiếp nhận và trao tặng hàng nghìn tờ rơi, khẩu trang, xà phòng cùng nhiều nhu yếu phẩm, lắp đặt điểm rửa tay bằng xà phòng miễn phí tại một số nơi công cộng… với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

       Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, chị Lê Thị Thu Thủy đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác Chữ thập đỏ, nhiệt tình, tâm huyết với công tác nhân đạo. Từ nhận thức cho tới từng hành động tận tâm, chia sẻ của chị đã góp phần giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn thêm động lực vượt qua khó khăn, các cháu nhỏ được tiếp tục đến trường, sống cuộc sống như những bạn bè, cùng trang lứa…

       Với sự nỗ lực, cống hiến của người Chủ tịch Hội, cùng với sự ủng hộ, đoàn kết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội CTĐ thành phố Tam Điệp, cùng sự chung tay của các cán bộ hội viên trong Hội, năm 2018 Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Cờ thi đua, cá nhân chị Lê Thị Thu Thủy được UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác “Dân vận khéo” giai đoạn 2013-2015 và 2015-2018; trong hội nghị biểu dương gương “Người tốt việc tốt” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015-2019...

       Những đóng góp không ngừng của vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự là cầu nối để chuyển tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm đến với những người dễ bị tổn thương, phần nào xoa dịu khó khăn, bất hạnh cho những người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam… góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh, xã hội tại địa phương.

                                                                                                 Phùng Luyến

 


Tác giả: Bài, ảnh: Phùng Luyến
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 108
Hôm qua : 183
Năm 2024 : 14.103
Năm trước : 64.366
Tổng số : 257.046