• :
  • :
Chào mừng đến với hội chữ thập đỏ Ninh Bình
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ

Thế nào là Luật Nhân đạo Quốc tế?

Luật Nhân đạo Quốc tế là một phần chủ yếu của Công pháp quốc tế và bao gồm những quy tắc mà trong thời chiến, đều nhằm bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột, đồng thời nhằm hạn chế những phương pháp và phương tiện sử dụng trong chiến tranh.

Nói một cách chính xác hơn, đối với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (UBCTĐQT), Luật Nhân đạo Quốc tế áp dụng đối với các cuộc xung đột vũ trang có ý nghĩa như một Hiệp ước quốc tế hoặc những điều luật tập quán nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo trực tiếp nảy sinh từ các cuộc xung đột vũ trang dù có mang tính chất quốc tế hay không. Ví những lý do nhân đạo, các quy tắc của Luật Nhân đạo sẽ hạn chế quyền tự do sử dụng các phương pháp và phương tiện chiến tranh của các bên tham chiến, đồng thời bảo vệ người và tài sản bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng do cuộc xung đột.

Cụm từ “Luật Nhân đạo Quốc tế”, “Luật Xung đột vũ trang”, “Luật Chiến tranh” có thể được coi là có ý nghĩa tương đương. Các tổ chức quốc tế, các trường đại học, thậm chí các quốc gia thường chuộng dùng cụm từ Luật Nhân đạo Quốc tế (hoặc Luật Nhân đạo), trong khi các lực lượng vũ trang thích dùng hai cụm từ sau.

Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế: là xung đột giữa lực lượng quân đội của ít nhất là hai quốc gia (Chiến tranh giải phóng dân tộc được xếp vào dạng xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế).

Xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế: là xung đột xảy ra trong phạm vi một quốc gia, giữa một bên là quân đội chính quy với bên kia là những phe nhóm xác định và có trang bị vũ trang, hoặc xung đột giữa các phe nhóm có trang bị vũ trang với nhau.

Xáo trộn nội bộ: là trong một nước xảy ra những rối loạn nghiêm trọng về trật tự xã hội, gây nên bởi các hành vi bạo lực không mang tính chất của xung đột vũ trang (ví dụ: bạo loạn, xung đột giữa các phe phái hoặc hành vi bạo lực chống đối chính quyền…).

 

Những quy tắc chủ yếu của Luật Nhân đạo Quốc tế là gì?

Là những quy phạm luật chủ yếu mà UBCTĐQT đã tóm tắt từ những nét chính của Luật Nhân đạo Quốc tế. Do vậy không có hiệu lực của một văn bản pháp lý và cũng không được đem thay thế các văn bản pháp lý khác đang có hiệu lực, chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế mà thôi.

Nội dung của các quy tắc:

  • Những người nằm ngoài và những người bị loại khỏi vòng chiến phải được tôn trọng về sinh mạng, được đảm bảo toàn vẹn về thân thể và tinh thần. Trong mọi trường hợp, các đối tượng trên phải được bảo hộ và đối xử nhân đạo không có bất kỳ sự phân biệt nào.
  • Nghiêm cấm việc giết hoặc làm bị thương đối phương khi họ đã quy hàng hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
  • Người bị thương hoặc bị ốm phải được thu gom lại và chăm sóc bởi bên đối phương đang cầm giữ họ. Các nhân viên y tế, các trạm và phương tiện vận chuyển và trang thiết bị y tế phải được tôn trọng và bảo vệ. Biểu tượng CTĐ và TLLĐ trên nền trắng là dấu hiệu bảo hộ những người và vật dụng nói trên nên phải được tôn trọng.
  • Tù binh và dân thường bị phía đối phương bắt giữ phải được tôn trọng về sinh mạng, phẩm giá, các quyền tự do và tư tưởng cá nhân, chính trị, tín ngưỡng và tập tục tôn giáo. Cấm sử dụng các hành động bạo lực hoặc trả đũa đối với họ. Họ được bảo đảm quyền liên lạc với gia đình và tiếp nhận sự cứu trợ.
  • Mỗi người đều có quyền hưởng các bảo đảm luật pháp chủ yếu. Không ai phải chịu trách nhiệm về những việc mà họ không vi phạm. Không được tra tấn về thể chất và tinh thần, dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo hoặc làm mất nhân phẩm đối với họ.
  • Các bên tham chiến và thành viên các lực lượng vũ trang phải tuân thủ việc hạn chế sử dụng các biện pháp và phương tiện chiến tranh gây ra những tác hại không cần thiết hoặc quá đau đớn.
  • Các bên tham chiến phải luôn luôn phân biệt rõ dân thường và tài sản của họ. Đại bộ phận nhân dân cũng như mỗi con người đều không thể bị coi là mục tiêu để tấn công. Chỉ được tấn công vào các mục tiêu quân sự.

Nguồn gốc của Luật Nhân đạo Quốc tế là gì?

Để giải đáp được câu hỏi này, chúng ta phải đặt ra một số câu hỏi khác!

Trước khi có Luật Nhân đạo ngày nay, có luật nào chi phối xung đột vũ trang hay không?

Thứ nhất, có các quy tắc bất thành văn hình thành trên cơ sở những tập quán chi phối các cuộc xung đột vũ trang. Sau đó, có nhiều hiệp ước song phương (trao trả tù binh) tuy được soạn thảo ở những mức độ chi tiết khác nhau nhưng có hiệu lực. Đôi khi các ban tham chiến lại phê chuẩn các hiệp ước khi chiến tranh đã kết thúc. Ngoài ra còn có các điều lệnh mà các nước đã ban hành cho binh lính của mình. Như vậy, luật áp dụng cho xung đột vũ trang được giới hạn cả về thời gian và không gian trong đó luật nói trên chỉ có giá trị đối với một trận chiến hoặc một trận xung đột. Các quy tắc cũng thay đổi tùy theo thời gian, địa điểm, đạo lý và nền văn minh.

Ai là những người khởi xướng Luật Nhân đạo ngày nay?

Đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Luật Nhân đạo là hai ông Hăng-ri Đuy-năng (Henry Dunant) và tướng Guy-lôm Hăng-ri Đuy-phua (Guillaume-Henri Dufour). Hăng-ri Đuy-năng đã khởi xướng ý tưởng đó trong cuốn sách “Kỷ niệm Son-phe-ri-nô” (Solferino) xuất bản năm 1862. Còn tướng Hăng-ri Đuy-phua, dựa trên kinh nghiệm chiến tranh dày dạn của mình đã nhiệt tình ủng hộ bằng việc ông đồng chủ tọa Hội nghị ngoại giao năm 1864.

Đuy-năng viết: “Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như khi thủ lĩnh quân sự thuộc các quốc gia tụ họp (…), đây là dịp họ có thể lợi dụng hình thức hội nghị để xây dựng một số nguyên tắc quốc tế chuẩn y trong khuôn khổ một Công ước và không được phép vi phạm), những nguyên tắc này, một khi đã được các bên phê chuẩn, có thể sẽ hình thành cơ sở để các bên cứu trợ những người bị thương ở các quốc gia châu Âu”.

Tướng Hăng-ri Đuy-phua viết (cho Hăng-ri Đuy-năng): “Qua những ví dụ sinh động như những ví dụ được minh họa trong bản báo cáo của ngài, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề: Có vinh quang nào trên chiến trường sinh ra do tra tấn và nước mắt”.

Ý tưởng đã trở thành hiện thực như thế nào?

Chính phủ Thụy Sĩ, với sự thuyết phục của 5 thành viên sáng lập UBCTĐQT, đã triệu tập Hội nghị Ngoại giao năm 1864 với sự tham dự của 16 nước; Hội nghị đã thông qua Công ước Giơ-ne-vơ về cải thiện tình trạng thương binh trên chiến trường.

Công ước có những điểm nào mới?

Công ước Giơ-ne-vơ năm 1864 đã đặt nền móng cho Luật Nhân đạo ngày nay và có những đặc trưng chủ yếu sau:

  • Là những quy tắc thành văn và hiện hành, có tầm chi phối toàn cầu nhằm bảo vệ nạn nhân của các cuộc xung đột.
  • Mang tính chất đa phương, để ngỏ cho mọi quốc gia tham gia.
  • Quy định nghĩa vụ chăm sóc thương bệnh binh mà không phân biệt đối xử.
  • Tôn trọng các nhân viên, các phương tiện vận chuyển và thiết bị y tế có mang biểu tượng (Chữ thập đỏ trên nền trắng)

Luật Nhân đạo Quốc tế được hình thành trên cơ sở những hiệp định nào?

Khởi đầu từ Công ước Giơ-ne-vơ lần thứ nhất năm 1864, Luật Nhân đạo ngày nay đã phát triển qua nhiều thời kỳ, mà tất cả thường là sau những biến cố mà hết sức cần thiết phải có luật để đáp ứng các nhu cầu cao chưa từng có về cứu trợ nhân đạo cho nạn nhân của sự phát triển các loại vũ khí và các kiểu xung đột mới. Dưới đây là những Hiệp định cơ bản được liệt kê theo trình tự thời gian thông qua:

1864      Công ước Giơ-ne-vơ về cải thiện điều kiện các thương binh trên chiến trường

1868      Tuyên bố Xanh Pê-téc-bua (cấm sử dụng một số loại vũ khí tên lửa trong chiến tranh).

1899      Công ước La-hay tôn trọng các đạo luật và những tập quán liên quan đến chiến tranh và vận dụng những nguyên tắc của Công ước Giơ- ne-vơ năm 1864 cho chiến tranh trên biển.

1906      Kiểm điểm và phát triển Công ước Giơ-ne-vơ 1864

1907      Kiểm điểm lại và phát triển Công ước La-hay năm 1899 và thông qua các Công ước mới.

1925      Nghị định thư Giơ-ne-vơ về việc cấm sử dụng chất gây ngạt, chất độc hoặc các loại khí độc hại hoặc sử dụng vũ khí vi trùng trong chiến tranh.

1929      Hai Công ước Giơ-ne-vơ:

  • Kiểm điểm và phát triển các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1906
  • Công ước Giơ-ne-vơ liên quan tới việc đối xử với tù binh chiến tranh (mới)

1949      Bốn Công ước Giơ-ne-vơ:

             I          Cải thiện tình trạng cho thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ

             II         Cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển

             III         Đối xử với tù binh chiến tranh

             IV        Bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh (mới)

1954      Công ước La-hay bảo vệ các tài sản văn hóa khi xảy ra xung đột vũ trang.

1972      Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí vi trùng (sinh học) và vũ khí độc hại cũng như về sự hủy diệt của các loại vũ khí đó.

1977      Hai nghị định thư bổ sung cho bốn Công ước Giơ-ne-vơ. Hai Nghị định thư này củng cố việc bảo hộ các nạn nhân của xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế (Nghị định thư 1) và trong xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế (Nghị định thư II).

1980      Công ước về cấm hoặc hạn chế việc sử dụng một số loại vũ khí công ước – là những loại vũ khí có thể gây nên số thương vong quá mức hoặc có thể gây ra những hậu quả không lường hết được bao gồm:

  • Nghị định thư I về những mảnh vỡ không phát hiện được.
  • Nghị định thư II về cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy chông hoặc các loại vũ khí khác.
  • Nghị định thư III về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng những vũ khí gây cháy.

1993      Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hóa học và về sự hủy diệt của chúng.

1995      Nghị định thư liên quan tới các loại vũ khí la-de gây mù mắt (Nghị định thư IV mới đối với Công ước 1980)

1996      Nghị định thư về cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy chông và các loại vũ khí khác (Nghị định thư II được sửa đổi đối với Công ước năm 1980).

1997      Công ước về cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao các loại mìn sát thương cá nhân và về sự hủy diệt của chúng.

 

Những chủ thể nào chịu sự ràng buộc của các Công ước Giơ-ne-vơ?

Chỉ các quốc gia mới có thể tham gia các Hiệp ước quốc tế, do đó, chỉ các quốc gia mới được tham gia ký kết các Công ước Giơ-ne-vơ và các Nghị định thư bổ sung.

Tính đến giữa năm 2009, hầu hết các quốc gia trên thế giới, chính xác là 192 nước đã ký kết các Công ước Giơ-ne-vơ. Như vậy, các Công ước này đã thuộc số các Công ước có số nước phê chuẩn đông nhất và được công nhận mang tính chất quốc tế. Đối với hai Nghị định thư bổ sung, tính đến đầu năm 1998, thì có 150 nước tham gia Nghị định thư I và 142 nước tham gia Nghị định thư II.

Ai có nghĩa vụ phổ biến kiến thức về các Công ước và Nghị định thư?

Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phổ biến rộng rãi kiến thức về các Công ước và Nghị định thư:

Các bên tham gia Công ước cam kết phổ biến nội dung các Công ước này càng rộng rãi càng tốt trong đất nước của mình cả trong thời bình và thời chiến và trong chừng mực có thể, nên đưa nội dung Công ước vào các chương trình huấn luyện quân sự và đưa vào các chương trình giáo dục dân sự, làm sao cho những nguyên tắc của Công ước được thông suốt trong toàn thể nhân dân, đặc biệt là trong các lực lượng vũ trang chiến đấu, trong các nhân viên y tế và trong các giáo sĩ. (Điều 47, 48, 127 và 144 của các Công ước Giơ-ne-vơ I, II, III và IV theo thứ tự).

Các bên tham gia Nghị định thư cam kết phổ biến nội dung các Công ước và Nghị định thư này trong đất nước của mình càng rộng rãi càng tốt cả trong thời bình cũng như trong thời chiến, đặc biệt là đưa nội dung Công ước và Nghị định thư này vào các chương trình huấn luyện quân sự và khuyến khích người dân hiểu biết về các Công ước và Nghị định thư, làm sao để nội dung của các Công ước và Nghị định thư đó được các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân thông suốt. (Điều 83, Nghị định thư I).

“Nghị định thư này cần được phổ biến càng rộng rãi càng tốt”. (Điều 19, Nghị định thư II).

 


Nguồn: https://redcross.org.vn/thong-tin/luat-nhan-dao-quoc-te
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 18
Năm 2024 : 37.020
Năm trước : 64.366
Tổng số : 279.963