A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn (Ninh Bình): Giữ ánh sáng của lòng nhân ái

Được khởi nguồn từ năm 2007, tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) qua hơn 5 năm phát động phong trào hiến tặng giác mạc đến nay toàn huyện Kim Sơn đã có 5.750 đơn đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, với tổng cộng 93 người đã hiến tặng giác mạc. Đây thực sự là món quà vô giá, giúp cho nhiều người khuyết tật về mắt có thêm cơ hội thoát khỏi cảnh tối tăm.

Nhờ sự vận động tuyên truyền của
Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, người dân Cồn Thoi
đã hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc

Từ một cụ già hiến giác mạc...

Từ TP. Ninh Bình chúng tôi tìm về xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) nơi khởi nguồn của phong trào hiến tặng giác mạc. Ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết, là một xã thuần nông, người dân Cồn Thoi đa phần theo đạo thiên chúa nên có một niềm tin mãnh liệt. Theo Kinh thánh dạy rằng, con người sinh ra từ cát bụi thì khi chết cũng trở về với cát bụi, nên khi nhắm mắt xuôi tay, còn để lại được điều gì tốt đẹp cho đời thì nên làm. Chính vì thấu hiểu như vậy nên phong trào hiến tặng giác mạc luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong xã và thực sự trở thành một phong trào rộng khắp.

Theo chân ông Tú, chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Thị Hoa, người đầu tiên ghi danh vào lịch sử ngành Mắt Việt Nam khi tháng 5-2007, cụ đã hiến tặng giác mạc của mình trước khi qua đời. Rót chén trà mời khách, anh Mai Văn Vinh, con trai cụ Hoa kể cho chúng tôi nghe về việc hiến tặng giác mạc của mẹ mình. Anh Vinh cho biết, trước khi mất, mẹ tôi có di huấn cho chúng tôi là khi qua đời sẽ hiến tặng giác mạc của mình cho Bệnh viện Mắt Trung ương để cứu giúp cho những người không may gặp cảnh mù lòa. Khi thực hiện ước nguyện của mẹ trong xã cũng có những điều ra tiếng vào. Nhiều người xì xào, có người độc miệng bảo gia đình anh bán giác mạc của mẹ để được nhiều tiền...” Nhưng với bổn phận làm con, tôi thấy lòng thanh thản khi thực hiện được ước nguyện của mẹ mình”, anh Vinh xúc động nói.

Và chỉ sau một năm hành động cao thượng của cụ Hoa, toàn xã Cồn Thoi đã có tới 18 người tự nguyện hiến giác mạc cho những người bất hạnh khi qua đời. Tính đến hết năm 2011, toàn xã Cồn Thoi có 40 người hiến giác mạc và 243 người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời.

Nghĩa cử cao đẹp nhân rộng thành phong trào

Tại xã Văn Hải từ người đầu tiên hiến tặng giác mạc năm 2009, đến nay toàn xã đã có 27 người hiến tặng giác mạc, riêng năm 2011 đã có đến 11 người hiến tặng. Ông Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải cho biết, hưởng ứng phong trào hiến tặng giác mạc do Hội Chữ thập đỏ huyện phát động, Hội Chữ thập đỏ xã phối hợp với Nhà thờ, các xứ, họ đạo trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân, nhất là những người có đạo hiểu được ý nghĩa của phong trào, sự cần thiết của việc hiến tặng giác mạc... Đặc biệt là vai trò của các cộng tác viên là chánh trương, trùm trưởng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã đến từng hộ gia đình có người già yếu thăm hỏi, động viên kết hợp tuyên truyền giúp nhiều người hiểu được việc làm cao cả này và tiếp tục vận động những người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc. Bản thân đội ngũ cán bộ Chữ thập đỏ, cộng tác viên cũng rất nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng chính việc làm thiết thực là đăng ký hiến tặng giác mạc và vận động người thân cùng tham gia. " Đến nay, toàn xã đã có 1.700 người đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đặc biệt nhiều gia đình trong xã có đến 5-6 thành viên cùng đăng ký hiến tặng”, ông Minh tự hào cho biết.

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch hội Chữ Thập đỏ huyện Kim Sơn, hiệu quả của công tác tuyên truyền đã biến việc hiến tặng giác mạc từ hành động đơn lẻ trở thành một phong trào rộng khắp và nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân. Kết quả trong năm 2011, toàn huyện Kim Sơn đã có 27 người hiến tặng giác mạc, đưa tổng số người hiến tặng giác mạc lên 93 người, trong khi tổng số người hiến tặng giác mạc của cả nước là 97 người. Các địa phương có phong trào hiến tặng giác mạc nổi bật là các xã: Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Tân, Kim Đông, Thượng Kiệm với 5.750 đơn đăng ký hiến tặng giác mạc.

Ghi nhận về phong trào hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của mình, người dân ở các xã thuộc huyện Kim Sơn thực sự đã cho những người mù lòa có cơ hội thêm cuộc đời thứ hai. Việc làm của những người đã hiến tặng giác mạc thể hiện tấm lòng sẻ chia, đầy tình bác ái góp phần đem lại ánh sáng vô giá cho những người bất hạnh. Mong rằng từ Kim Sơn sẽ có thêm nhiều địa phương trong tỉnh và trong cả nước hưởng ứng phong trào này để những nghĩa cử cao đẹp ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.


Tác giả: Trung Hiếu
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 81
Hôm qua : 155
Năm 2024 : 11.793
Năm trước : 64.366
Tổng số : 254.736