NGÀY SƠ CẤP CỨU THẾ GIỚI NĂM 2018: “ỨNG PHÓ SỚM NHẤT KHI XẢY RA TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ”
Tại Việt Nam tai nạn giao thông hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo số liệu thống kế từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2017, trung bình mỗi ngày có 23 người chết và 47 người bị thương do tai nạn giao thông. Hưởng ứng ngày Sơ cấp cứu thế giới cùng với các Hội quốc gia trong Phong trào, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động sơ cấp cứu có ý nghĩa, từ tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của Sơ cấp cứu và tầm quan trọng của việc học sơ cấp cứu đối với mỗi người dân để cùng góp phần giảm thiểu các di chứng hoặc tử vong do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.
Sơ cấp cứu là một trong 7 lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 03/6/2008, tại điều 9 Chương II qui định: Hoạt động chữ thập đỏ về sơ cấp cứu ban đầu là hoạt động sơ cấp cứu đối với nạn nhân trong chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn giao thông và các tai nạn, thảm hoạ khác, bao gồm: Tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ, kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế và báo tin cho gia đình, cơ quan, tổ chức nơi nạn nhân làm việc hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú; Tổ chức lực lượng, tiến hành đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng hội viên, tình nguyện viên và cộng đồng có kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu; tổ chức các điểm, trạm sơ cấp cứu ở những nơi thường xuyên xảy ra tai nạn và cung cấp các dụng cụ sơ cấp cứu.
Đến nay, toàn hệ thống Hội đã huấn luyện, đào tạo 338 tập huấn viên và 75 hướng dẫn viên sơ cấp cứu. Đây là lực lượng nòng cốt tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu cho mạng lưới tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng. Trung bình mỗi năm có khoảng 80.000 tình nguyện viên và người dân được tập huấn sơ cấp cứu.
Toàn Hội đã thành lập và duy trì hoạt động của 5 Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ tập huấn viên nguồn cho hệ thống Hội và phát triển hoạt động sơ cấp cứu dịch vụ.
Hệ thống trạm, điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng được Hội Chữ thập đỏ các cấp duy trì và tiếp tục chuẩn hóa hoạt động theo quy định của Bộ Y tế. Toàn Hội có 184 trạm, điểm đã chuẩn hóa và được Sở y tế địa phương cấp phép đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Các trạm, điểm sơ cấp cứu chủ yếu đặt tại các điểm đen về tai nạn giao thông, các vùng trọng điểm về thiên tai, bão lũ, thảm họa hỗ trợ sơ cứu cho những người bị thương, giảm thiểu tử vong và di chứng do tai nạn thương tích gây ra.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phấn đấu đến năm 2022, 1,5% dân số sẽ được phổ biến kiến thức và trang bị kỹ năng sơ cấp cứu. Hoạt động sơ cấp cứu được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam định hướng phát triển ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả; các hoạt động được chuẩn hóa theo quy định của Bộ Y tế, góp phần trợ giúp cộng đồng có đủ kỹ năng ứng phó về sơ cấp cứu đối với các tai nạn thương tích xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau: thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt và trong môi trường lao động, v.v.