• :
  • :
Chào mừng đến với hội chữ thập đỏ Ninh Bình
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng trai coi thiện nguyện là cuộc sống của mình

Thiện nguyện là cuộc sống “Tình nguyện giống như đam mê. Nhưng niềm đam mê này có ích cho người khác thì mình ưu tiên nó hơn. Mình cảm thấy lúc nào cũng giàu năng lượng vui vẻ và mong muốn truyền cho người khác cảm xúc tích cực hơn”, Hoàng Hoa Trung khẳng định đó là lý do mà trong 10 năm qua, cậu luôn hết mình làm tình nguyện. 18 tuổi, cái tuổi bắt đầu chinh phục và khám phá thế giới, được quyền nghĩ cho những ước mơ và tham vọng của mình. Vậy mà Hoàng Hoa Trung lại chọn con đường tình nguyện. Anh luôn quan niệm: Thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những đứa trẻ nghèo nơi biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất. Và Trung đã bắt đầu những câu chuyện của mình như thế.
Cứ gọi tôi là... “Trung đồng nát”

Biệt danh “Trung đồng nát” ra đời không phải do anh là người làm nghề đồng nát, mà đây là hoạt động gắn với CLB Niềm tin. Với biệt tài hay quan sát và biến những “phế phẩm” thành tiền, từ năm 2003 Trung cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, Trung không khỏi ngậm ngùi: “Đó là những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, sinh viên chúng tôi cùng nhau đạp xe sang Bát Tràng. Thời gian đầu, đi mười nhà thì chín nhà từ chối nói chuyện. Sau khi đến gặp được 30, 40 hộ thì chúng tôi đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của 4 hộ gia đình. Họ đã tặng chúng tôi rất nhiều đồ gốm, có đồ còn mới, có đồ bị chút lỗi nhưng đều sử dụng được”.

Vậy là sau hơn một năm kiên trì đi nhặt từng chiếc bát gốm, lọ hoa ở Bát Tràng, đi bán bảo hiểm xe máy, bán áo phông ở các hội chợ... nhóm Tình nguyện Niềm tin đã vận động được gần 400 triệu đồng, trong đó có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cùng chung tay vào thực hiện Dự án Ánh Sáng Núi Rừng với mục tiêu xoá 20 điểm trường tranh tre nứa lá.

Ánh Sáng Núi Rừng bừng sáng bản vùng cao Nậm Vì

Bốn năm trước đây, con đường đi đến điểm trường ở bản Nậm Vì thật chông chênh, vất vả. Cả bản Nậm Vì có hơn 80 hộ dân, phần lớn là người Mông sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, tuy nhiên bản lại ở trên cao, xa sông suối nên các hộ dân thường xuyên rơi vào cảnh đói ăn mùa giáp hạt.

Điểm trường Nậm Vì trước kia chỉ được dựng bằng tre, nứa. Cứ hết kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải lại lấy tre nứa và bạt để gia cố lại lớp học. Có năm mùa mưa bão, thầy trò vừa chạy ra khỏi lớp học thì trường sập.

Là một trong những người đầu tiên khảo sát để xây dựng điểm trường mới, Hoàng Hoa Trung nhớ lại: “Lúc đó, điều kiện phòng học ở đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Trường học được chia thành ba gian tuềnh toàng, xiêu vẹo. Có gian còn bị thủng lỗ chỗ, các em học sinh có thể thò đầu từ bên ngoài vào để xem bên trong các thầy cô dạy chữ. Còn bàn ghế thì được chế từ những thân gỗ gồ ghề, cái cao cái thấp”.

Vậy là, dự án Ánh Sáng Núi Rừng với sứ mệnh quan tâm, thực hiện những dự án hướng tới trẻ em vùng cao – đối tượng yếu thế nhất và cần nhận được sự quan tâm của cộng đồng ra đời. Mỗi năm dự án mục tiêu xây dựng 1-2 điểm trường dành cho trẻ em bản cao. Tới hết 2017, nhóm đã xây dựng thành công 7 điểm trường trên bản.
Bên cạnh xây dựng các điểm trường, CLB còn bắt tay vào việc hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh nghèo với dự án Nuôi cơm trẻ bản cao (hay còn gọi là dự án Nuôi Em). Thực hiện từ 6/2015 tính đến nay đã có hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, giúp các em có cơm ăn, giảm tỉ lệ bỏ học buổi chiều từ 80% xuống 5%.

Tiếp đó là dự án Dũng sỹ bạt (xin bạt cũ, banner backdrop đã qua sử dụng đưa lên vùng cao, miễn phí hoàn toàn vận chuyển) để che chắn các điểm trường còn đang được dựng lên từ tranh, vách nứa. Hoạt động từ tháng 2 – tháng 5/2018, dự án đã tiến hành gửi lên gần 2000 m2 bạt che phủ 10 điểm trường tránh nắng mưa, dột. Độ bền của bạt vừa gấp 2-3 lần lại tiết kiệm hơn 100,000,000 VNĐ/mỗi năm cho ngân sách phòng giáo dục địa phương.

Cứ thế, hàng loạt các dự án ý nghĩa cho trẻ em vùng cao đã ra đời. Những năm qua, các bạn trẻ ấy bằng niềm tin và tình yêu thương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích về một nhóm tình nguyện có thể xây dựng những ngôi trường.

Thủ lĩnh tình nguyện này hy vọng, dự án Nuôi Em của nhóm Tình nguyện Niềm tin do anh đứng đầu sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Điều này nhằm giúp các em ở tỉnh vùng cao không còn đói ăn, đói mặc. Bên cạnh đó, các thành viên của nhóm sẽ hỗ trợ đời sống kinh tế cho bố mẹ các em bằng cách tiêu thụ các nông sản, lâm sản cho từng khu vực.

“Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của yêu thương thì sức mạnh sẽ rất lớn. Tất cả chúng ta nên tham gia tình nguyện để hướng đến mục tiêu không hoạt động này nữa. Khi không còn phải hoạt động tình nguyện, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tôi khẳng định, tình nguyện là việc nên làm!”, đó là điều tâm niệm của Hoàng Hoa Trung.


Tác giả: Tuyên Mặc
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 91
Năm 2024 : 41.984
Năm trước : 64.366
Tổng số : 284.927