A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM VÀ 60 NĂM HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM GIA NHẬP PHONG TRÀO CHỮ THẬP ĐỎ - TRĂNG LƯỠI LIỀM ĐỎ

I. SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay). Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
I. SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. 
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
II. HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM - 71 NĂM  XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Cũng trong thời gian này, Hội Hồng thập tự Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tiến hành các hoạt động trao trả tù binh chiến tranh theo đúng tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ năm 1955 - 1975, Hội hoạt động trong bối cảnh cả nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có 15 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội. Đến cuối năm 1970, toàn Hội có 170.000 hội viên, trong đó có 40.000 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ. Hội viên tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vận động trồng cây thuốc nam, trợ giúp nhân đạo, tiếp nhận hồi hương kiều bào, vận động giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn Mỹ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào.
Ngày 19/11/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Hà Nội với 150 đại biểu từ Trung ương đến các tổ chức Hội cơ sở. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 27/2/1961, Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc giải phóng  Miền Nam được thành lập do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III diễn ra ngày 15/12/1965. Tại Đại hội này, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức từ ngày 10-11/12/1971. Đại hội khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia cấp cứu thương binh, nạn nhân chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh, hoạt động hợp tác quốc tế. Ghi nhận cống hiến của Hội, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Huân chương Lao động hạng nhì. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tháng 6/1973, Đại hội Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã quét sạch quân xâm lược trên đất nước ta, Bắc Nam thống nhất một nhà. Đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội mới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực phát triển tổ chức, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của Hội, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ngày 31/7/1976, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau chiến tranh, các cấp Hội tập trung chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, tham gia cứu trợ, vận động quyên góp gạo giúp đỡ đồng bào thiên tai, tu sửa, xây mới cầu, tôn tạo đường làng ngõ xóm, sửa chữa phòng học, trạm y tế… Hội hợp tác với ngành y tế trong phòng bệnh vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, trồng cây thuốc nam. Gần 8.000 tổ, đội, trạm cấp cứu được xây dựng ở nhiều địa phương, bắt đầu triển khai phong trào hiến máu nhân đạo. Năm 1987, Trung ương Hội thành lập Phòng tìm kiếm tin tức thân nhân đáp ứng nguyện vọng đoàn tụ của những gia đình có thân nhân mất liên lạc do chiến tranh.
Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội và mở ra thời kỳ phát triển mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 10-12/3/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của 368 đại biểu. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Đại hội đã đề ra Chương trình hành động 5 năm 1988-1993 gồm 4 nội dung chính: Củng cố phát triển Hội, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện các chính sách xã hội và cứu trợ nhân đạo, hợp tác quốc tế. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được bầu làm Chủ tịch Hội. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Thực hiện Chỉ thị 14 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và đồng hành cùng quá trình đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức; tham gia tích cực công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, tăng cường hoạt động cứu trợ nhân đạo và công tác xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác với các bộ, ngành, đoàn thể, Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác trong hoạt động nhân đạo. Là lực lượng bổ trợ của Chính phủ trong hoạt động nhân đạo, tham gia xóa đói, giảm nghèo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát triển tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hội viên; tổ chức các phong trào lớn như: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, thu hút sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân trong các hoạt động nhân đạo.
Tính đến cuối năm 1988 đã có 40 tỉnh, thành, 427 huyện thị (80%), 3.814 xã, phường (38%) có tổ chức Hội với 7.700 chi hội. Đến cuối năm 1994, tổ chức Hội được thành lập tại tất cả 53 tỉnh, thành phố và hầu hết các quận, huyện với 14.900 chi hội cơ sở.
Từ ngày 15-17/3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội. Tổng Bí thư Đỗ Mười làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” ngày 7-8/4/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
Trong giai đoạn này, hoạt động ứng phó thảm họa bước đầu chuyển từ cứu trợ thụ động mang tính chất từ thiện, đơn thuần cung cấp các nhu yếu phẩm sau khi bị thiên tai sang chủ động phòng tránh, cứu trợ phát triển, bằng các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, xây dựng các trung tâm phòng chống thảm họa, trồng rừng ngập mặn, hỗ trợ sinh kế… Nhiều mô hình hoạt động xã hội được xây dựng và phát triển: cơ sở  nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người già, tổ cấp cơm cháo miễn phí. Ngày 09/6/1998, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời. Đặc biệt, tháng 12/1999, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bắt đầu phát động Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”.
Ngày 12 - 13/6/2000, Đại hội thi đua yêu nước của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ xuất sắc trong hoạt động nhân đạo thời kỳ đổi mới được Nhà nước khen thưởng. Đại hội thống nhất phát động đợt thi đua yêu nước trong toàn Hội với chủ đề “Làm nhiều việc thiện vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ngày 7 - 9/8/2001 diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại kỳ họp thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng làm Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đến tháng 8/2001, Hội đã phát triển tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành và quận, huyện với trên 14.000 tổ chức Hội cấp cơ sở, với hơn 7 triệu hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Trong giai đoạn này, nhiều mô hình trợ giúp nhân đạo đã được một số địa phương thực hiện có hiệu quả: “Hũ gạo tình thương”, “Mười người giúp một người”, “Liên gia làm công tác nhân đạo”, “Vì bạn nghèo”, “Tiền lẻ đẻ tiền vàng”, “Nhà nhân đạo”…Chương trình góp vốn, cho vay vốn làm kinh tế là hình thức cứu trợ xã hội bắt đầu được các cấp Hội, các nhà hảo tâm quan tâm, giúp người dân có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo. Hoạt động đối ngoại của Hội phát triển mạnh mẽ cả hợp tác song phương và đa phương.
Ngày 20/9/2005, tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ II, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thưởng - Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Ngày 28-29/6/2007, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2007-2012 với chủ đề “Chung sức vì nhân đạo” diễn ra tại Hà Nội. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được cử là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đại hội xác định mục tiêu: Giáo dục truyền thống nhân ái, đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội, kiện toàn hệ thống tổ chức Hội, góp phần chăm so đời sống sức khỏe nhân dân, thực hiện vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo.
Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, Hội tập trung củng cố, nâng cao vị thế của tổ chức, tiến hành toàn diện các mặt công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ; tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo: Trình Quốc hội ban hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ (ngày 03/6/2008), tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về “Củng cố tổ chức phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” (ngày 10/5/2010), tham mưu chuyên “Công tác Chữ thập đỏ trong tình hình mới” vào chương trình giảng dạy các trường chính trị tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2008, hoạt động của Hội tiếp tục được xã hội ghi nhận thông qua Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, kêu gọi cộng đồng tham gia bằng những việc làm thiết thực, gắn với các đối tượng khó khăn theo sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ.
Ngày 8/6/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 43 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Chỉ thị nhấn mạnh “Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáp dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chính sách xã hội của Đảng”. Việc ban hành Chỉ thị 43 một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với công tác nhân đạo, góp phần củng cố tổ chức Hội và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo thời gian tới.
Ngày 25-26/9/2010, Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ III. Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội được tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhì; đồng chí Ðoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội và đồng chí Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Ðộc lập hạng ba; 09 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và 03 tập thể, 03 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 35 tập thể được nhận Cờ thi đua của Trung ương Hội.
Ngày 23/11/2011, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
Ngày 4-5/7/2012, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Đường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương được bầu là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đại hội đã quyết định 4 định hướng hoạt động lớn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2012-2017, đó là: Phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, phục hồi tái thiết; Chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Công tác xã hội nhân đạo.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV diễn ra ngày 29/9/2015 tại Hà Nội với sự góp mặt của 458 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 4,4 triệu cán bộ hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cả nước. Đại hội đã tặng Cờ của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Hội Chữ thập đỏ 29 tỉnh, thành có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua 5 năm liên tục, giai đoạn 2010 - 2015, tặng Danh hiệu “Hội viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc”, giai đoạn 2010-2015 cho 37 cá nhân và Danh hiệu “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc”, giai đoạn 2010-2015 cho 43 cá nhân thuộc các tỉnh, thành phố.
Ngày 08/1/2016, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa IX lần 5 đã bầu Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 19/11/2016, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã long trọng tổ chức Chương trình kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội (23/11/1946-23/11/2016) và giao lưu nghệ thuật “Sáng mãi những tấm lòng nhân đạo”. Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhì nhằm ghi nhận sự đóng góp xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo. Nhân dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành hữu quan; tuyên dương, trao tặng Bằng khen cho 70 cán bộ Chữ thập đỏ xuất sắc tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ toàn quốc.
Ngày 15-16/8/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với sự tham gia của 487 đại biểu đại diện hơn 8 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu được bầu lại giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với chủ đề "Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội", đây là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của Hội, hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực, các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo của Hội, trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giáo dục lòng nhân ái và đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định; tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác chỉ đạo tiếp tục được đổi mới; việc vận động chính sách được quan tâm hơn; công tác đối ngoại, tuyên truyền gắn với vận động nguồn lực tiếp tục được duy trì; các phong trào, các cuộc vận động của Hội được triển khai đạt kết quả thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần giáo dục lòng nhân ái, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, như: Dự án “Ngân hàng bò”, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với với một địa chỉ nhân đạo”, Chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, vận động hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa...
Tính đến tháng 6/2017, toàn Hội có gần 8,5 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, hoạt động tại hơn 17.000 tổ chức Hội cơ sở. Trị giá hoạt động toàn Hội năm 2016 đạt 3.367 tỷ 966 triệu đồng (tăng hơn 197 tỷ 586 triệu đồng so với năm 2015), trợ giúp 21.810.705 lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
III. HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM – THÀNH VIÊN CỦA PHONG TRÀO CHỮ THẬP ĐỎ VÀ TRĂNG LƯỠI LIỀM ĐỎ QUỐC TẾ
Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là phong trào
nhân đạo lớn nhất trên thế giới, hoạt động toàn cầu, thành lập năm 1863 (từ ý tưởng của Henry Dunant, công dân Thụy Sỹ), gồm 3 thành tố: Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và 190 Hội Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia và vùng lãnh thổ. Những tổ chức trong Phong trào không phụ thuộc nhau theo pháp lý, nhưng có liên quan với nhau do cùng mục đích (bảo vệ sự sống và sức khỏe, bảo vệ phẩm giá và giảm bớt đau khổ cho con người không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay tín ngưỡng, giai cấp, hoặc quan điểm chính trị), cùng biểu tượng, quy chế, cơ cấu tổ chức và cùng thực hiện các hoạt động theo 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào: Nhân Đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh, là cơ sở để ngày 4/11/1957, tại cuộc họp của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Kể từ đó đến nay, ở mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn thực hiện tốt sứ mệnh của một thành viên trong Phong trào, góp phần xây dựng tổ chức thành Hội quốc gia vững mạnh trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, trong 5 gần đây (2012-2017), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phát triển mối quan hệ với các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
[1], thông qua đó mà vận động và phối hợp triển khai các dự án nhân đạo tại Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm quý trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các Hội nghị khu vực và quốc tế. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận và triển khai trung bình trên dưới 20 dự án/năm do các đối tác quốc tế tài trợ với tổng kinh phí tính đến tháng 6 năm 2017 đạt hơn 510 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực, xây dựng quỹ, tuyên truyền hình ảnh và giá trị nhân đạo; chăm sóc sức khỏe, nước sạch vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng tích cực ủng hộ các nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai: Nepal, Philippin, Trung Quốc, Triều Tiên, Nga… với trị giá 350.000 USD trong giai đoạn từ năm 2012-2017.
Trung ương Hội phối hợp tổ chức thành công Lễ công bố báo cáo thảm họa thế giới năm 2014, 2015, 2016, Hội nghị đối tác 2014, Hội nghị lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ các nước khu vực Đông Nam Á; đón và tổ chức hoạt động của một số Đoàn cấp cao Hội Chữ thập đỏ Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mỹ, Niu-di-lân, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Qatar, Chủ tịch Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, lãnh đạo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế; tổ chức các đoàn ngoại giao chủ động, kết hợp vận động nguồn lực và phát triển quan hệ đối tác với đối tác mới: Nhật Bản, Pháp, Đức, Na-uy, Úc, Niu-di-lân, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia, Nga, Séc, Ba Lan… Trung ương Hội và hầu hết các địa phương có chung biên giới với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia và một số tỉnh, thành Hội đều tổ chức hoạt động nhân đạo dành cho bà con nghèo ở nước bạn; ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với Hội Chữ thập đỏ Lào, Trung Quốc.
Nhờ đó, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
IV. HỘI CTĐ TỈNH NINH BÌNH 25 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Tiếp bước truyền thống vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ngày 06/7/1992 Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập sau khi tái lập tỉnh Ninh Bình; Trải qua 5 kỳ đại hội, hệ thống tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững chắc, đến nay toàn Hội có 186 cơ sở hội; 162 cán bộ hội chuyên trách 3 cấp; 25.193 hội viên; 5018 tình nguyện viên; 36.804 thanh thiếu niên; trong đó cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh là 12 người; các huyện, thành phố là 12 người.
Trong những ngày đầu mới thành lập việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ gặp không ít khó khăn, trong điều kiện tỉnh nhà mới tái lập. Trong điều kiện đó, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với Mặt trận tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, các tổ chức tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở; đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội. Bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác nhân đạo. Từ những thuận lợi cơ bản đó, đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đoàn kết, phát huy vai trò, vị thế của Hội trong việc tổ chức các hoạt động nhân đạo trong suốt chặng đường 25 năm qua, nhiều hoạt động trọng tâm, tiêu biểu được thực hiện, đó là: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo đã được thực hiện có hiệu quả, trong giai đoạn 2012 - 2017, đã vận động được trên 30 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 100.000 lượt đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam... Hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính chuyên nghiệp và có hiệu quả rõ nét; các cấp Hội đã thành lập các đội tình nguyện viên, đội thanh niên xung kích Chữ thập đỏ, đội ứng phó khẩn cấp tại cộng đồng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi thiên tai, bão lũ, thảm họa xảy ra. Hoạt động trồng rừng ngập mặn đã được cán bộ, hội viên, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia và đã trở thành thương hiệu của Hội; đến nay những cánh rừng ngập mặn của Hội có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ đê biển Bình Minh 3, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tạo sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư khu vực ven biển. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng, hoạt động sơ cấp cứu đã đạt được hiệu quả thiết thực; các cấp Hội đã vận động nguồn lực, phối hợp Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tổ chức các đợt khám bệnh nhân đạo cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, gia đình chính sách...; trong giai đoạn vừa qua đã tổ chức 300 buổi khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc tây y, đông y miễn phí, trị giá trên 3 tỷ đồng cho 11.000 đối tượng; mổ đục thuỷ tinh thể cho 350 người cao tuổi, trị giá gần 01 tỷ đồng; thành lập 02 điểm sơ cấp cứu tại huyện Nho Quan và TP Tam Điệp. Công tác vận động hiến máu tình nguyện đã đạt được kết quả tích cực, đã huy động được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia công tác hiến máu tình nguyện, trong 5 năm trở lại đây, đã vận động được trên 30.000 người đăng ký hiến máu tình nguyện, tiếp nhận gần 30.000 đơn vị máu đáp ứng kịp thời cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh, việc hiến máu đảm bảo an toàn tuyệt đối. Điểm nổi bật đó là các cấp Hội đã tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến giác mạc, từ năm 2007 đến nay toàn tỉnh có trên 15.000 người đăng ký hiến giác mạc, trong đó có 256 người hiến giác mạc, riêng năm 2017 toàn tỉnh có 21 người hiến giác mạc, điểm sáng là huyện Kim Sơn đã đón nhiều đơn vị bạn đến học tập, trao đổi kinh nghiệm; do đó Ninh Bình duy trì là đơn vị đứng đầu toàn quốc trong hoạt động vận động hiến giác mạc. Công tác vận động nguồn lực ngày càng chuyên nghiệp, kết quả vận động nguồn lực ngày càng tăng, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tham gia xây dựng quỹ hội, với nhiều hình thức đa dạng, như: Đặt thùng quỹ nhân đạo, sổ vàng nhân đạo, nuôi lợn tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm...Từ những hoạt động công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có hiệu quả đó đã có sức lan tỏa mạnh mẽ rộng khắp trong xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao, cộng đồng xã hội ghi nhận. Từ những sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, tình nguyện các cấp Hội, trong thời gian qua đã có 500 cá nhân được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng kỷ niệm Chương vì sự nghiệp nhân đạo; có 20 tập thể được tặng cờ của UBND tỉnh, Trung ương Hội; 685 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội; 700 tập thể, cá nhân được tặng giấy khen; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình rất vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng phần thưởng cao quý Huân Chương Lao động Hạng Nhì và Hạng Ba.
Phát huy truyền thống tốt đẹp 25 năm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ trong giai đoạn mới được xác định, đó là: Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền về công tác nhân đạo; làm tốt công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để thực hiện tốt công tác nhân đạo trong tình hình mới. Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh; chăm lo công tác cán bộ Hội, phát triển lực lượng hội viên, tình nguyện viên, đội xung kích Chữ thập đỏ. Tổ chức tốt hoạt động nhân đạo, nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai; triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng; vận động hiến máu tình nguyện, hiến giác mạc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối ngoại nhân đạo, vận động nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo.
Với truyền thống tốt đẹp và khí thế hào hùng sau 25 năm xây dựng và phát triển; với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thi đua, sáng tạo, tiếp tục “Đổi mới, kết nối vì mọi người, ở mọi nơi” phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra, xứng đáng với sự tin tưởng, niềm tin yêu của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
*        *
*
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2017) và 60 năm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (04/11/1957-23/11/2017) là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống 71 năm của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ hôm nay nguyện tiếp tục viết nên những trang vàng truyền thống của Hội bằng những hoạt động thiết thực nhất trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội X, nhiệm kỳ 2017-2022 đề ra.
Để đạt được kết quả đó, các cấp Hội cần: (1) Tổ chức hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, bao gồm: Triển khai toàn diện, sâu rộng công tác xã hội nhân đạo; Tham gia hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa; Triển khai đồng bộ hoạt động tuyên truyền, tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng; Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; (2) Triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác Hội, bao gồm: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Vận động nguồn lực bền vững cho hoạt động Hội; Xây dựng hệ thống tổ chức hội các cấp vững mạnh, chuyên nghiệp; Nâng cao năng lực tham mưu, vận động chính sách, phát triển quan hệ đối tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác nhân đạo; Củng cố và phát triển mối quan hệ với các tổ chức thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các đối tác quốc tế khác; Đổi mới công tác chỉ đạo, công tác kiểm tra, thi đua, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ.
 

[1] Hiện nay 07 đối tác trong Phong trào đang duy trì văn phòng tại Việt Nam, gồm: Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Đức, Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Sỹ.


Tác giả: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 96
Hôm qua : 101
Năm 2024 : 15.180
Năm trước : 64.366
Tổng số : 258.123