A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiến máu cứu người- Hãy bắt đầu từ nhà quản lý

Những ngày này, từ tỉnh đến các xã/phường, thị trấn, các khu dân cư... đều sôi nổi diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4. Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

Các đồng chí lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh và cán bộ, viên chức ngành y tế tỉnh Ninh Bình
tham gia Ngày hội Hiến máu tình nguyện
 
       Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong phong trào hiến máu tình nguyện trong thời gian qua?

      Ông Bùi Trọng Kỳ: Với tầm quan trọng của việc hiến máu tình nguyện cứu người, từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ- TTg lấy ngày 7/4 hàng năm là ”Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Sau 17 năm, công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển lớn mạnh, luôn là phong trào lớn thu hút sự hưởng ứng của toàn xã hội. Các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, triển khai sâu rộng và trở thành hoạt động thường kỳ, như: “Lễ hội Xuân hồng”, Hành trình đỏ”, “Giọt hồng Hoa Lư”, Ngày toàn dân hiến máu 7/4 và Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14/6, qua đó đã thu hút đông đảo tình nguyện viên, các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện.
         Hoạt động tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia hiến máu tình nguyện được tổ chức kịp thời hàng năm, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh ngày càng phát triển. Trong 5 năm (2011-2016), đã vận động được trên 30.000 người đăng ký hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được 22.380 đơn vị máu (tương đương 5.595 lít máu) hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao của Ban Chỉ đạo quốc gia về hiến máu tình nguyện. Việc tiếp nhận máu đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu về máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Tính riêng năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 22 buổi hiến máu tình nguyện và đã tiếp nhận được 5.662 đơn vị máu, đạt 103% kế hoạch. Chính vì vậy công tác hiến máu tình nguyện năm 2016 đã đáp ứng kịp thời nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản- Nhi.
         Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ chú trọng chỉ đạo phát triển nguồn hiến máu dự bị, như: Phát triển câu lạc bộ hiến máu tại cộng đồng, trong các trường đại học, cao đẳng; câu lạc bộ hiến máu dự bị tại khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn đã có 6 câu lạc bộ, đội hiến máu và vận động hiến máu dự bị với 150 người tham gia, các thành viên thường xuyên được cung cấp thông tin nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động đã góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, đặc biệt là các trường hợp tai nạn giao thông, xử trí trong cấp cứu sản khoa. Tiêu biểu trong đó là câu lạc bộ Máu- Trái tim đỏ Ninh Bình trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Câu lạc phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Bên cạnh đó cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động tuyên truyền, vận động Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh tham gia HMTN; các bệnh viện đã vận động người nhà của các bệnh nhân tham gia HMTN để đáp ứng kịp thời nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị người bệnh…

       Phóng viên: Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh được phát triển ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về máu, vậy khó khăn hiện nay là gì, thưa ông?
     
       Ông Bùi Trọng Kỳ:
Những năm gần đây, mặc dù phong trào hiến máu đang được đẩy mạnh, đặc biệt là trong các chiến dịch cao điểm, số lượng người tham gia hiến máu nhân đạo ngày càng tăng và không ngừng được mở rộng về đối tượng, nhờ đó mà lượng máu thu được sau mỗi chiến dịch cũng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu vẫn xảy ra ở các bệnh viện; Nhìn chung, công tác vận động hiến máu tình nguyện vẫn còn nhiều khó khăn.
 Khó khăn đầu tiên cần phải nói đến đó là nhận thức của người dân về vấn đề hiến máu tình nguyện còn nhiều hạn chế. Do chưa hiểu được bản chất của việc hiến máu tình nguyện như thế nào? Sợ mất máu, ảnh hưởng đến sức khỏe; sợ đau... nên còn băn khoăn tình nguyện hiến máu. Mặt khác, hiện nay do chính sách hỗ trợ, động viên, khen thưởng cho người tự nguyện hiến máu của chúng ta vẫn còn ở mức thấp, chưa đủ khích lệ và thu hút người dân tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn như: Hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp chưa cao; ngân sách hoạt động của Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp trong tỉnh tuy có nhưng rất thấp, nhiều địa phương nguồn ngân sách dành cho hoạt động này chưa được đảm bảo... những yếu tố này cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Đối tượng tham gia hiến máu chủ yếu tập trung ở lực lượng đoàn viên thanh niên, trong khi đó lực lượng người dân từ 18 đến 60 tuổi ở các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia hiến máu hiện nay vẫn có tỷ lệ rất thấp...

       Phóng viên: Như vậy, để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện thì tỉnh ta cần có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
        
        Ông Bùi Trọng Kỳ:
Những khó khăn nêu trên là khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh Ninh Bình. Để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện đòi hỏi nhiều hơn nữa sự chung tay, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội chứ không riêng gì Hội Chữ thập đỏ hay ngành Y tế. Để làm được điều này, BCĐ cấp tỉnh sẽ tích cực đôn đốc, kiểm tra BCĐ các cấp và sẽ chỉ đạo công tác tổ chức hiến máu tình nguyện một cách thường xuyên, liên tục chứ không chỉ bám theo các sự kiện như hiện nay. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này. Đặc biệt, các cấp Hội Chữ thập đỏ sẽ phát đi thông điệp ”Hiến máu cứu người- bắt đầu từ các nhà quản lý”. Nghĩa là mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương đi đầu trong công tác chỉ đạo và tham gia hiến máu để người dân noi theo. Huy động sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị để họ luôn coi việc tham gia hiến máu tình nguyện là một nét đẹp văn hóa trong cơ quan, đơn vị mình.
        
          Phóng viên: Ngày 7 - 4 là ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, ông có thể cho biết  mục tiêu cụ thể của chiến dịch này như thế nào?
 
         Ông Bùi Trọng Kỳ:
Năm 2017, Ban Chỉ đạo vận động HMTN của tỉnh đặt mục tiêu vận động được 5.500 đơn vị máu. Để thực hiện được mục tiêu này, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, Hội đã "khởi động” ngay từ đầu năm và xác định ngày toàn dân hiến máu tình nguyện sẽ là điểm nhấn quan trọng, là ”lực đẩy”  để hoàn thành được mục tiêu đề ra. Theo đó, phấn đấu 100% BCĐ hiến máu tình nguyện các huyện, thành phố và các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện hưởng ứng, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Việc tổ chức hưởng ứng ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện cũng là một sự kiện hiến máu tình nguyện quan trọng được tổ chức ngay sau Lễ hội xuân hồng hàng năm. Qua chiến dịch này, kết quả thu được không chỉ là bao nhiêu người hiến máu, thu về bao nhiêu đơn vị máu mà quan trọng hơn là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân về ý nghĩa của nghĩa cử của việc hiến máu tình nguyện. Qua đó, kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là những người quản lý cùng tham gia vào công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.

     Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 53
Hôm qua : 101
Năm 2024 : 15.137
Năm trước : 64.366
Tổng số : 258.080