A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình lần thứ IV (2010 - 2015), công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ đã được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức đan xen. Đây là thời kỳ toàn Hội triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Luật Hoạt động chữ thập đỏ, là giai đoạn công tác nhân đạo tiếp tục phát triển toàn diện, thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm chia sẻ của tổ chức, cá nhân với cộng đồng trước nguy cơ biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, số người cần trợ giúp nhân đạo trên địa bàn còn nhiều.

Nhận thức được thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, 5 năm qua, bám sát định hướng phát triển của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp giúp đỡ của các sở, ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh và tổ chức quốc tế, cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, gắn bó với đối tượng, địa bàn ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống nhân đạo và luôn xác định chăm lo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là nhiệm vụ trọng tâm cơ bản của công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, chuyên nghiệp là giải pháp tích cực nhằm triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động nhân đạo. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong tỉnh khắc phục khó khăn, triển khai mọi mặt công tác Hội và đã đạt được kết quả quan trọng tương đối toàn diện trên các lĩnh vực công tác; tổ chức Hội ngày càng được củng cố, phát triển ở các xã, phường, thị trấn, trong nhiều trường học, doanh nghiệp (với 25.193 hội viên, 5.018 tình nguyện viên, 36.084 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ hoạt động tại 186 tổ chức Hội cơ sở cùng 167 cán bộ hội chuyên trách tại 3 cấp), do vậy, 7/8 mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ IV đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo được triển khai sâu rộng, thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đồng hành cùng tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã vận động được 27 tỷ 936 triệu đồng trợ giúp cho 97.686 đối tượng xã hội trong và ngoài tỉnh gồm: Cứu trợ và trợ giúp nhân đạo cho 27.252 đối tượng trị giá 18 tỷ 637 triệu đồng; tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu trị giá 3 tỷ 892 triệu đồng, 2.039 đối tượng đã được hưởng lợi trực tiếp; phối hợp tổ chức khám, phát hiện bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 16.015 lượt đối tượng, trị giá 2 tỷ 840 triệu đồng; vận động trên 30.000 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện và đã tiếp nhận 22.380 đơn vị máu tương ứng với 5.595 lít máu. Thực hiện cuộc vận động “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động đã vận động nguồn lực trao tặng bò sinh sản cho 2 xã biên giới là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) và xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) 10 con bò, trị giá 120 triệu đồng; xây dựng 15 nhà Chữ thập đỏ cho hộ gia đình có khó khăn về nhà ở, trị giá 750 triệu đồng; vận động tặng học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, học giỏi, tặng viện phí cho bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; vận động tặng 320 xe lăn cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã kết nối thành công 63 địa chỉ nhân đạo giúp đỡ thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tháng 3-2014 đã kết nối địa chỉ nhân đạo với một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh trợ giúp cho 843 đối tượng số tiền 4 tỷ 531 triệu đồng tại hai xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và xã Trường Yên, huyện Hoa Lư gồm: 275 hộ nghèo mỗi hộ là 10 triệu đồng/hộ; 567 hộ thuộc nhóm đối tượng cận nghèo, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, mức hỗ trợ là 3 triệu đồng /hộ và 1 đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo 70 triệu đồng.

Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả trong nhiệm kỳ đã nâng cao vị thế cho tổ chức Hội, tiêu biểu là mô hình vận động hiến tặng giác mạc khi qua đời. Cuộc vận động đăng ký hiến giác mạc được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương triển khai thực hiện từ năm 2007, tại Ninh Bình, người đầu tiên đăng ký và hiến giác mạc cũng là trường hợp đầu tiên trong cả nước là cụ bà Nguyễn Thị Hoa, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn. Đến nay, tổ chức Hội trên địa bàn đã vận động được 9.870 người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời và đã có 215/276 người hiến giác mạc trên tổng số người hiến giác mạc trong cả nước. Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động được 105 người hiến giác mạc, là đơn vị dẫn đầu toàn quốc; đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5/8 huyện, thành phố có người hiến giác mạc là các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình, trong đó huyện Kim Sơn là đơn vị có số người hiến giác mạc nhiều nhất với 207 người.

Mô hình dự án trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thiên tai bảo vệ môi trường và cộng đồng dân cư sống ven biển được thực hiện từ năm 1997. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lựa chọn là một trong 6 tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh thực hiện dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn và Ban quản lý Tỉnh hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngập mặn, thành lập đội bảo vệ rừng có các cộng tác viên là các hộ có đầm nuôi thủy sản liền kề rừng cùng tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Kết quả, sau 19 năm thực hiện dự án, trên 400 ha rừng ngập mặn phòng hộ trải dài 7,1/15 km đê biển Bình Minh 3 do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trồng đã thành rừng, tạo thành bức tường xanh vững chắc bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng dân cư sống ven biển và tăng nguồn lợi thủy sản. Hoạt động trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhà tài trợ Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hiệp Hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đánh giá là mô hình tiêu biểu trong hoạt động tham gia phòng ngừa ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Kết quả trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên đây khẳng định, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình lần thứ IV (2010 – 2015) đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; tổ chức Hội 3 cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn số lượng và chất lượng, cán bộ được tăng cường, năng lực tham mưu vận động nguồn lực trợ giúp nhân đạo của đội ngũ cán bộ được nâng cao, hoạt động của Hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn cũng cần khắc phục các hạn chế, yếu kém, đó là: Chất lượng hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn thấp, nội dung phương thức hoạt động Hội ở nhiều tổ chức Hội cơ sở chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa phát huy được nội lực, còn biểu hiện thụ động ỷ lại cấp trên. Nguyên chính của hạn chế trên đây là do đội ngũ cán bộ mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tham mưu, kỹ năng vận động cộng đồng ở một bộ phận cán bộ Hội còn hạn chế, thiếu nhiệt huyết trong công tác, ngại học tập nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Hội, khả năng sử dụng và ứng dụng công nghệ tin học để cập nhật, quản lý, tổng hợp, phân tích thông tin còn rất hạn chế.

Kế thừa những kết quả đã đạt được 5 năm qua, thực hiện chiến lược phát triển của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối, vai trò điều phối của mình trong các hoạt động nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; tổ chức Hội trong tỉnh tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tham gia trợ giúp và vận động trợ giúp nhân đạo thiết thực, kịp thời theo hướng phát triển bền vững, hướng tới những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, giúp họ vươn lên trong cuộc sống với các giải pháp: Đẩy mạnh toàn diện thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” khảo sát, lập hồ sơ, đăng ký trợ giúp và vận động trợ giúp đối tượng theo hồ sơ giới thiệu của Hội; tiếp tục tổ chức có hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng xã hội.

Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu, kịp thời tham gia các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và tái thiết phục hồi giúp người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn với các giải pháp: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và huấn luyện kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và người dân tại cộng đồng; tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, nâng cao khả năng ứng phó với cộng đồng có nguy cơ thiên tai cao; chuẩn bị nguồn lực phù hợp sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Tham gia phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, giải pháp là: củng cố phát triển các mô hình phối hợp khám, chữa bệnh nhân đạo; tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, củng cố thành lập các trạm, chốt sơ cấp cứu, điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Vận động hiến máu nhân đạo, hiến giác mạc, hiến mô và bộ phận cơ thể người, góp phần cung cấp máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị người bệnh, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng vận động hiến máu tình nguyện, chú trọng phát triển các câu lạc bộ máu hiếm, ngân hàng máu sống; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đăng ký hiến mô, hiến giác mạc, hiến tạng, hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác.


Tác giả: Lê Xuân Mai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 104
Hôm qua : 124
Năm 2024 : 14.806
Năm trước : 64.366
Tổng số : 257.749