A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỏi – Đáp về hiến máu và công tác vận động hiến máu tình nguyện

BAN CHỈ ĐẠO VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN TỈNH NINH BÌNH
 
  
 Thường trực Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh thăm, cảm ơn và động viên người hiến máu tình nguyện
 
* Máu là gì? Lượng máu có trong cơ thể?
      - Máu là một mô lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể.
      - Lượng máu ở người khỏe mạnh tương đối ổn định và phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi, giới, cân nặng,... Lượng máu tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, trung bình từ 70 - 80ml/kg cân nặng.
      Thể tích máu được ổn định nhờ cơ chế điều hòa của cơ thể giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương bằng lượng máu bị mất đi hàng ngày. Tuy vậy, nếu mất máu quá lớn hoặc chức năng sinh máu của tủy xương bị rối loạn thì lượng máu trong cơ thể mất ổn định.
      Lượng máu liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ thể như khi mất nhiều mồ hôi, khi mất nước thì lượng máu giảm do bị cô đặc. Trong những trường hợp bệnh lý như thiếu máu do mất máu, do suy tủy,... lượng máu trong cơ thể sẽ bị thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý. Nếu mất trên 1/3 tổng lượng máu thì nhiều cơ quan của cơ thể sẽ bị rối loạn chức năng, có thể gây sốc, thậm chí bị tử vong.     

* Các thành phần của máu và chức năng?
Máu gồm hai phần: các tế bào máu và huyết tương.
 Các tế bào máu và chức năng:
    - Hồng cầu: Chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố (nên máu có màu đỏ). Hồng cầu có chức năng vận chuyển O2 từ phổi đến các tế bào và mô đồng thời nhận CO2 từ các tế bào và mô đến đào thải ở phổi. Đời sống trung bình của hồng cầu từ 90-120 ngày.
    - Bạch cầu: Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, với đời sống trung bình từ 1 tuần đến vài tháng.
    - Tiểu cầu: Là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.  
    Huyết tương:Là phần lỏng, màu vàng, chủ yếu là nước; ngoài ra còn nhiều chất rất quan trọng đối với sự phát triển, chuyển hóa của cơ thể như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các yếu tố đông máu, các kháng thể, hormon, các men,...

Tại sao lượng máu trong cơ thể luôn ổn định?
-  Các tế bào máu được sinh ra tại tủy xương nhằm thay thế cho các tế bào già bị mất đi. Sau khi tham gia hoạt động chức năng ở máu ngoại vi và các mô trong một thời gian nhất định chúng sẽ bị tiêu hủy (lúc đó, một phần sản phẩm của tế bào máu được tái hấp thu, phần khác được đào thải ra khỏi cơ thể).
-  Bình thường, hai quá trình sinh máu và tiêu hủy máu cân bằng nhau để đảm bảo duy trì thành phần và thể tích máu ổn định trong cơ thể. Ước tính mỗi ngày có từ 40 ml đến 80 ml máu được thay thế mới.
- Khi HM, ngay lập tức cơ thể huy động lượng máu dự trữ trong gan, lách và dịch gian bào để duy trì huyết áp và lượng tế bào máu lưu thông không thay đổi, sau đó kích thích tuỷ xương tăng sinh để bù lại lượng máu đã hiến. Do vậy, một người trưởng thành khoẻ mạnh nếu hiến lượng máu không quá 9 ml/kg cân nặng thì hoàn toàn không có hại cho sức khoẻ.
-  Bạch cầu do cư trú ở nhiều mô khác nhau nên không ảnh hưởng nhiều sau khi bị mất máu. Huyết tương hồi phục rất nhanh chóng, chỉ sau vài giờ đến vài ngày khi bị mất máu.

Tại sao cần hiến máu và truyền máu?
- Máu và các chế phẩm máu là loại thuốc điều trị đặc biệt, chỉ có thể được lấy từ người khỏe mạnh (chưa có chất gì thay thế được máu).
-  Máu cần cho cấp cứu và điều trị hằng ngày như khi bị mất máu (do tai nạn, chiến tranh, do các tai biến sản khoa, xuất huyết…); hoặc các trường hợp phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa, các kỹ thuật cao như: chạy thận nhân tạo, ghép tạng… Ngoài ra, còn có bệnh nhân bị bệnh về máu như: ung thư máu, suy tuỷ xương, xuất huyết giảm tiểu cầu… đặc biệt là những người bị mắc bệnh Hemophilia (bệnh ưa chảy máu do di truyền). Theo phân tích của Hiệp hội truyền máu Hoa Kỳ, cứ 10 người khỏe mạnh thì 8 người có nguy cơ cần được truyền máu.
Đối với những bệnh nhân kể trên, máu là một loại thuốc không thể thiếu, nếu không được truyền máu đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc sống của họ.
Truyền máu giúp cứu sống người bệnh trong cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, truyền máu cũng có thể truyền cả các bệnh nhiễm trùng như HIV, viêm gan B, C... Do đó, nguồn máu an toàn nhất cho điều trị là từ những người tình nguyện khỏe mạnh, không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền khác qua đường máu.
 
* Nhóm máu là gì? Nguyên tắc truyền máu?
-  Máu gồm các tế bào và huyết tương; sự có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương sẽ quyết định sự khác nhau hay giống nhau giữa các cá thể, nên sẽ quy định nhóm máu tương ứng.
-  Có nhiều hệ nhóm máu khác nhau như hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis,... trong đó, quan trọng và phổ biến hơn cả là hệ nhóm máu ABO và Rh.
    + Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng người Việt Nam như sau: nhóm O khoảng 45%; nhóm B khoảng 30%; nhóm A khoảng 20% và nhóm AB gần 5%.
Một người có thể nhận máu từ người cho cùng nhóm hoặc có nhóm máu O. Riêng nhóm máu AB, chỉ truyền cho người cùng nhóm AB (tóm tắt ở sơ đồ bên). 
    + Hệ nhóm máu Rh: có 2 loại nhóm máu là Rh(+) và Rh(-). Sơ đồ truyền máu thuộc hệ Rh như sau:
Rh(+) ——————> Rh(+)
Rh(-) ——————> Rh(-)
Rh(-) ——————> Rh(+)
    Ở Việt Nam, tỷ lệ người Rh(-) rất thấp, từ 0,04 -0,07% dân số, nên họ được coi là người có nhóm máu hiếm. Trong khi ở người da trắng, tỷ lệ này khá cao, từ 15% - 40% dân số.
    + Về quan hệ giữa các nhóm máu của hệ ABO và Rh: Một người vừa có 1 trong 4 nhóm máu thuộc hệ ABO (hoặc A, B, AB, O) vừa có 1 trong 2 nhóm máu thuộc hệ Rh (hoặc Rh+ hoặc Rh-). Vì vậy, người có nhóm máu A có thể là ARh(+), ký hiệu A+, có thể là ARh(-), ký hiệu A- và tương tự như vậy đối với các nhóm máu khác (B, AB, O...).

Tại sao nói Hiến máu có sự hướng dẫn của thầy thuốc thì không có hại cho sức khỏe”?
Hiến máu theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc hoàn toàn không có hại tới sức khỏe, điều đó được giải thích bằng các cơ sở khoa học và thực tiễn:
-> HM phải theo đúng hướng dẫn, quy định chuyên môn 
-  Tuân thủ đúng các quy định như: đủ tuổi, đủ cân nặng; đáp ứng được các yêu cầu về mạch, huyết áp, lượng huyết sắc tố, đủ thời gian giữa các lần HM,... 
-  Người HM có đủ nhận thức cơ bản về HM tình nguyện, HM trên cơ sở tự nguyện, không có vụ lợi, không bị sức ép.
->Việc HM tuân thủ đúng các quy định y tế và phù hợp với cơ sở sinh lý máu:
-  Lượng máu hiến: mỗi người có từ 70ml-80ml máu/kg cân nặng. Mỗi lần hiến dưới9ml máu/kg là không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu một người nặng 50kg sẽ có khoảng 3.500ml máu và có thể hiến tối đa 450ml máu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.
-  Máu gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần có đời sống nhất định và thường xuyên được thay thế. Khả năng sinh máu của tủy xương là rất lớn, có thể gấp 4 - 10 lần so với nhu cầu bình thường của cơ thể trong những trường hợp như bị mất máu, HM...
-  Khi bị mất máu, ngay lập tức cơ thể huy động lượng máu dự trữ trong gan, lách để duy trì khối lượng tuần hoàn và ổn định huyết áp.
->Các công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh:
Sau khi HM, các chỉ số mạch, huyết áp, cân nặng,... cũng như các xét nghiệm về số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố, bạch cầu, tiểu cầu không thay đổi hoặc có thay đổi nhẹ trong giới hạn bình thường.
->Thực tế trên thế giới và ở nước ta trong những năm qua:
-  Mỗi năm, trên thế giới có trên 90 triệu người HM; nước ta có gần 1 triệu người HM.
-  Rất nhiều người đã HM trên 100 lần, sức khỏe hoàn toàn bình thường. 

* Ai có thể tham gia hiến máu và hiến ở đâu?
Tất cả những người khỏe mạnh, đủ các điều kiện dưới đây, hoàn toàn tự nguyện, đều có thể tham gia hiến máu tại các Trung tâm Truyền máu khu vực/vùng hoặc Khoa Huyết học – Truyền máu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh/TP. Quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ Y tế về tiêu chuẩn HM là:
-  Tuổi từ 18 - 60 (đối với nam và nữ);
-  Cân nặng: từ 42kg trở lên đối với nữ và từ 45kg trở lên đối với nam.
-  Không bị mắc hoặc có các hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền khác qua đường máu như: viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét.
-  Có giấy tờ tuỳ thân, địa chỉ liên hệ rõ ràng.

* Quy trình hiến máu như thế nào?
-> Quy trình HM có 5 bước cơ bản:
    - Tư vấn và đăng kí hiến máu;
    - Khám tuyển chọn;
    - Xét nghiệm trước HM;
    - Hiến máu;
    - Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, nhận quà tặng và Giấy chứng nhận HM.

* Một số thông tin cần căn dặn người HM:
    - Ngày hôm trước khi HM: nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ; tránh làm việc quá sức, thức đêm, bỏ ăn, say rượu... gây mệt mỏi, căng thẳng trước khi HM.
    - Ngày HM: ăn nhẹ trước khi HM 1 giờ-2 giờ, không ăn thức ăn nhiều mỡ, không uống rượu; mang theo chứng minh nhân dân.
    - Tại điểm HM: thực hiện đúng hướng dẫn của Ban tổ chức và nhân viên y tế, chỉ rời khỏi điểm HM khi cảm thấy mình hoàn toàn bình thường.
    - Sau khi HM: trong 3 ngày đầu, cần giữ sạch nơi chọc ven; không làm việc quá sức, tránh làm những việc đặc biệt nguy hiểm, không say rượu; cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ; liên hệ với cơ sở truyền máu khi thấy có những bất thường về sức khỏe.
    - Người HM cần bảo vệ sức khỏe tốt để tiếp tục HM nhắc lại an toàn và vận động mọi người cùng tham gia HMTN.

* Lợi ích của việc hiến máu?
 ->  Giúp các bệnh viện có đủ nguồn máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị người bệnh.
-> Giáo dục lối sống lành mạnh trong cộng đồng, về truyền thống nhân ái.
-> Người HM được kiểm tra, tư vấn sức khỏe đồng thời giúp theo dõi và tự giám sát sức khỏe của mình.
-> Tăng tạo máu mới:
    - Mỗi lần HM là cho đi một phần máu trong cơ thể (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, đường huyết, cholesterol, sắt, kali,…), điều đó giúp cơ thể thanh thải và giảm gánh nặng do dư thừa các sản phẩm thoái hóa của tế bào máu.
    - Việc HM còn kích thích tủy xương sinh máu mới để bù đắp lượng máu đã hiến.
-> Tác dụng làm giảm quá tải sắt
    - Mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200 – 400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Huyết sắc tố bị tiêu hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần dự trữ trong cơ thể.
    - Ở nam giới lớn tuổi hoặc phụ nữ đã mãn kinh, lượng sắt dự trữ thường cao hơn so với nhu cầu, gây quá tải sắt cho cơ thể. Sắt dư thừa sẽ kích thích quá trình tạo gốc tự do, ô xy hóa cholesterol…
    - Những người có tình trạng quá tải sắt nhẹ hoặc lượng sắt ở mức khá cao, việc HM có thể giúp giảm lượng sắt dư thừa. Người khỏe mạnh bình thường, có thể hiến máu định kỳ 3-4 tháng/lần sẽ giúp cho quá trình thải sắt thuận lợi.
    - Ở những người có hội chứng quá tải sắt (một loại bệnh di truyền gây rối loạn cơ chế chuyển hóa sắt), lượng sắt luôn ở mức cao, gây lắng đọng ở nhiều cơ quan (tim, gan, tụy, tuyến thượng thận…), có thể gây tổn hại cho các cơ quan này và gây các bệnh như tiểu đường, bệnh gan, tim mạch....
-> Giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
    - Nếu quá nhiều sắt trong máu sẽ làm gia tăng ô xy hóa cholesterol, sản phẩm này lắng đọng ở lớp dưới nội mô mạch máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện xơ vữa mạch máu, gây các cơn đau tim và đột quỵ.
    - Các nghiên cứu cho thấy cơn đau tim và các vấn đề tim mạch khác ít xảy ra ở nam giới đã HM nhiều lần.
-> Giảm nguy cơ ung thư: Việc hấp thụ sắt quá mức cũng như việc tiêu hủy tế bào máu hằng ngày sẽ thúc đẩy hình thành các gốc tự do và làm thay đổi bên trong tế bào, phá vỡ chức năng bình thường của tế bào và làm tăng nguy cơ gây ung thư (gan, phổi, đại tràng, dạ dày và phế quản).
->  Tăng quá trình đốt cháy calo và giúp giảm cân: Mỗi lần  hiến khoảng 450 ml máu giúp đốt cháy khoảng 650 calo trong cơ thể và giảm lượng cholesterol trong máu. Nhờ đó giảm được trọng lượng ở những người có cân nặng trên mức trung bình.
-> Mỗi lần hiến máu là một lần gửi máu (miễn phí) vào ngân hàng máu
    - HM là cách người HM gửi vào ngân hàng máu (gửi nguyên liệu – máu thô); khi không may mắn, người HM cần nhận máu, sẽ được bồi hoàn miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Sản phẩm nhận lại là những đơn vị máu hoặc chế phẩm máu đã qua xử lý và an toàn cho điều trị.
    - Như vậy, HM vừa là hành động nhân đạo, vừa là cách “bảo hiểm máu” an toàn cho chính sức khỏe của người HM.

* Quyền lợi của người hiến máu tình nguyện?
Mục đích cao cả khi tham gia HMTN là để cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, Nhà nước ta quy định cụ thể một số quyền lợi cho người HM như sau:
->  Được tôn vinh, ghi nhận (tùy thành tích HM.
->   Được khám, tư vấn sức khỏe, được xét nghiệm miễn phí để xác định nhóm máu và các xét nghiệm sàng lọc khác như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét. 
->   Được bồi dưỡng trực tiếp:
- Ăn nhẹ,nước uống tại chỗ: tương đương 35.000 đồng/người/lần HM
- Hỗ trợ đi lại (bằng tiền mặt): 45.000đồng/người/lần hiến máu
- Nhận quà tặng bằng hiện vật:
·        Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng
·        Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng
·        Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng
- Nhận “Giấy chứng nhận HMTN” (có giá trị bồi hoàn máu miễn phí bằng với lượng máu đã hiến khi cần phải truyền máu tại các bệnh viện công lập trên toàn quốc).
                                                                                                                                                                                               
                                                                       Biên tập: Lê Xuân Mai
                                                                    Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh Ninh Bình

Tác giả: Tài liệu Hỏi – Đáp Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tags: công tác
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 87
Hôm qua : 126
Năm 2024 : 13.899
Năm trước : 64.366
Tổng số : 256.842