HƯỞNG ỨNG NGÀY TÌNH NGUYỆN VIÊN QUỐC TẾ 5/12: PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “TÔI TÌNH NGUYỆN”
Ngày Tình nguyện viên Quốc tế vì sự phát triển Kinh tế và Xã hội (5/12) hàng năm (gọi tắt là Ngày Tình nguyện viên Quốc tế) được Liên hiệp quốc khởi tạo từ năm 1985 nhằm tạo một cơ hội cho các tổ chức tình nguyện và tình nguyện viên cá nhân để họ có thể thể hiện những đóng góp của mình - ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế - vào việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Ngày Tình nguyện viên Quốc tế được kỷ niệm bởi nhiều tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả Hội Chữ thập đỏ, Hội Hướng đạo và những tổ chức khác. Ngày Tình nguyện viên Quốc tế luôn coi trọng bởi tinh thần tình nguyện, sự tận tâm, nhiệt tình và đoàn kết, thông qua việc huy động các tình nguyện viên vì sự phát triển và đề cao sự tham gia của tất cả mọi người. Là một cơ hội cho các tình nguyện viên cá nhân, cộng đồng và các tổ chức để thúc đẩy sự đóng góp của họ cho sự phát triển ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.
Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, một phong trào mang tính tình nguyện toàn dân đã xuất hiện, đầu tiên có thể kể đến là “Hũ gạo tiết kiệm”, mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo trong khẩu phần ít ỏi của mình để cứu giúp những người bị đói.
Năm 1950, Đội Thanh niên xung phong đầu tiên gồm 215 người được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện chính sách mở cửa, phong trào tình nguyện đã phát triển sâu rộng cả về nội dung và hình thức đa dạng.
Kết quả là phong trào ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung phong trào được mở rộng ra mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và hướng trọng tâm vào những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng như: rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, xây dựng các vùng kinh tế mới, trồng rừng bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế văn hóa vùng sâu, vùng xa, xóa nạn mù chữ, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi. Đối với nhiều bạn trẻ, hoạt động tình nguyện đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Được giúp đỡ người khác, chia sẻ một phần khó khăn với những người cần giúp đỡ là hành động đẹp của giới trẻ.
Nhân kỷ niệm 33 năm Ngày Tình nguyện viên Quốc tế, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên C.P. Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Tôi tình nguyện” nhằm tôn vinh và ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa của những cá nhân – đơn vị đang ngày đêm hết mình tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng. Hãy chia sẻ những câu chuyện, là trải nghiệm của mỗi người trên những chặng đường khác nhau, nhưng đó đều là những chặng đường mang yêu thương và ấm áp tình người.
THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT “TÔI TÌNH NGUYỆN”
1. Đối tượng tham gia: Thanh niên, đoàn viên, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, và những người đã đang hoạt động tình nguyện trên cả nước không giới hạn tuổi tác; Là người Việt Nam hoặc người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam quan tâm, yêu thích và gắn bó với các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
2. Thời gian tổ chức: Từ ngày 11/11 đến 05/12 năm 2018
- Thời gian nhận bài dự thi: Bắt đầu từ ngày 11/11/2018 đến hết ngày 30/11/2018.
- Ngày 02/12/2018: Công bố kết quả
- Ngày 05/12/2018: Trao giải cuộc thi trong khuôn khổ Chương trình mít tinh kỷ niệm Ngày Tình nguyện viên Quốc tế tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)
3. Thể lệ chung
- Cuộc thi có đề tài đa dạng trong lĩnh vực hoạt động tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng, là câu chuyện có thật, khắc họa chân dung, kể về sự hy sinh, cống hiến của những con người, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp,... mà tác giả biết và chứng kiến hoặc chính những kỷ niệm sâu sắc của tác giả trong quá trình hoạt động tình nguyện. Bài viết phải lan tỏa được thông điệp “Chia sẻ và Phát triển”.
- Tác phẩm dự thi:
+ Nhân vật trong bài viết phải là người thật việc thật, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng và hành động, thành tích của họ trong quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện;
+ Hình thức: Các tác phẩm dự thi là các bài viết theo phóng sự, ký văn học, ký báo chí,…
+ Số lượng chữ: tối thiểu 700 từ và không quá 2.000 từ, thể hiện dưới dạng file word; có kèm ảnh (không giới hạn số ảnh kèm theo).
+ Bài viết chưa được đăng tải trên bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm văn hóa nào.
+ Bài viết phải có chất lượng tốt, đảm bảo tính trung thực, nhân vật gây ấn tượng, có ảnh hưởng xã hội lớn;
+ Tác phẩm dự thi sẽ được đăng tải trên Fanpage Chia sẻ & Phát triển, chọn lọc biên tập và đăng trên Báo điện tử Nhân đạo & Đời sống (website: baonhandao.vn).
+ Dưới mỗi bài viết ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại để Ban tổ chức tiện liên hệ.
4. Tiêu chí chấm giải
+ Nội dung, ý nghĩa, thông điệp gửi gắm của câu chuyện
+ Phong cách hành văn, hình ảnh minh họa
- Cách thức tham gia: Gửi sản phẩm dự thi về cho Ban tổ chức theo địa chỉ e-mail: toitinhnguyen2018@gmail.com
5. Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất: Chứng nhận, tiền mặt và hiện vật trị giá 5 triệu đồng;
- 2 giải Nhì: Chứng nhận tiền mặt và hiện vật trị giá 3 triệu đồng;
- 3 giải Ba: Chứng nhận, tiền mặt và hiện vật trị giá 1 triệu đồng;
- 5 giải Khuyến khích: Chứng nhận, tiền mặt và hiện vật trị giá 500.000 đồng;
6. Ban Giám khảo:
+ Nhà báo Đinh Bá Tuấn – Tổng Biên tập Báo điện tử Nhân đạo & Đời sống – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
+ Ông Nguyễn Tuấn Khởi - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ Chữ thập Đỏ Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam – Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
+ Ông Nguyễn Quốc Khang – Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
+ Tiến sỹ Ngô Mạnh Quân – Trưởng Khoa vận động và tổ chức hiến máu, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương.
+ Bà Lê Nhật Thùy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam