A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 2008. Những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh làm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến với những địa chỉ nhân đạo trên địa bàn tỉnh. Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, các tình nguyện viên chữ thập đỏ, các nhà hảo tâm, tham gia đóng góp, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Gần 4 năm nay, cứ vào 6h sáng và trưa thứ tư hàng tuần, có trên dưới 100 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp được nhận các suất ăn sáng và suất cơm trưa từ bếp từ thiện tại chùa Quang Sơn và chùa Lý Nhân. 
Đây là việc làm nhân đạo do Đại đức Thích Thanh Phú, Trụ trì chùa Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) phát tâm. Không chỉ làm từ thiện tại địa phương, Đại đức Thích Thanh Phú còn duy trì “Nồi cháo Thiện Tâm” tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã 9 năm nay. 

Những bát cháo, suất cơm từ thiện trao tận tay cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp góp phần động viên, tiếp sức cho những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thêm niềm tin, động lực trong điều trị bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Tam Điệp cho biết: Khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp đã khảo sát, lập danh sách các đối tượng đặc biệt cần quan tâm giúp đỡ, chụp ảnh và mô tả tóm tắt về hoàn cảnh của họ; bước đầu giới thiệu những địa chỉ này cho những người có thể ủng hộ; viết tin bài về đối tượng gửi tạp chí nhân đạo, trên mạng xã hội để tìm kiếm sự hảo tâm trong cộng đồng. 

Năm 2008, ở thành phố Tam Điệp có 30 địa chỉ là 30 em học sinh con hộ nghèo có thành tích trong học tập được các doanh nghiệp hỗ trợ học tập, mỗi tháng 200 nghìn đồng. 

Đến nay, qua 10 năm triển khai, thành phố đã có 209 địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ bằng các hình thức như trợ cấp học tập, phát cơm, cháo miễn phí, giúp đỡ các nhu yếu phẩm sinh hoạt gia đình hàng tháng..., Tổng số tiền trợ giúp cho các địa chỉ là 1 tỷ 87 triệu đồng. Nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng, nhiều gia đình thoát nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học, có việc làm.
Xác định “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa thiết thực, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. 

Hàng năm xây dựng tiêu chí thi đua cho các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đăng ký vận động trợ giúp thường xuyên, đồng thời tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua giữa Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố. Phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai cuộc vận động giúp đỡ các em học sinh nghèo và nạn nhân chất độc da cam có điều kiện đến trường, các hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố thường xuyên rà soát các đối tượng để có các hình thức vận động hỗ trợ phù hợp, phát huy vai trò của cộng đồng, xã hội, kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm trợ giúp hoặc vận động theo hình thức đặt thùng quỹ nhân đạo, các nhóm gia đình giúp 1 gia đình, nhiều cán bộ, hội viên giúp một cán bộ, hội viên. 

Công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực được chú trọng qua nhiều hình thức; tập trung tuyên truyền về ý nghĩa cuộc vận động, về những hoàn cảnh khó khăn và sự phấn đấu vượt qua khó khăn của các gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam, những người rủi ro, về những việc làm nhân đạo tốt đẹp của các tổ chức, cá nhân, qua đó thu hút hiệu quả các nguồn lực ở trong nước và nước ngoài. 

Hiện nay, 8/8 huyện, thành phố và 145/145 xã, phường, thị trấn đã triển khai cuộc vận động hiệu quả, đã có 1.955 địa chỉ được lập hồ sơ đề nghị trợ giúp. Số địa chỉ được trợ giúp là 1.732 địa chỉ, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.
Thực hiện cuộc vận động, đã có nhiều mô hình thực hiện tiêu biểu, tạo sự đồng thuận cao như mô hình hỗ trợ, trợ giúp thường xuyên cho đối tượng người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, nạn nhân chất độc da cam. 

Hội đã phối hợp với ngành chức năng và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để trợ giúp thường xuyên 300-500 nghìn đồng/tháng cho 100 em học sinh nghèo với số tiền trên 1 tỷ đồng; phối hợp Hội Bảo trợ nạn nhân da cam Việt - Pháp trợ giúp cho 55 học sinh là nạn nhân chất độc da cam với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. 

Thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, thiếu vốn, Hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ từ 10 đến 30 triệu đồng/hộ gia đình phát triển chăn nuôi, nhờ đó đến nay  có 27 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, mô hình hỗ trợ xây nhà chữ thập đỏ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp Hội chữ thập đỏ trong tỉnh quan tâm triển khai, kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ xây mỗi nhà từ 30-50 triệu đồng và vận động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động cùng với gia đình dòng họ chung tay góp công, góp sức. Qua 10 năm thực hiện, các cấp Hội đã tổ chức khởi công, khánh thành bàn giao 69 ngôi nhà chữ thập đỏ, với số tiền trên 2,8 tỷ đồng, trung bình mỗi ngôi nhà mới được xây dựng với kinh phí từ 100-200 triệu đồng.

Tác giả: baoninhbinh.org.vn
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 88
Hôm qua : 126
Năm 2024 : 13.900
Năm trước : 64.366
Tổng số : 256.843