A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đã làm ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sức khỏe mỗi người, đặc biệt là trẻ em và người già. Theo thống kê của các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa, do nắng nóng kéo dài, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 10-20% so với bình thường. Thời tiết nắng nóng phát sinh nhiều bệnh dịch truyền nhiễm mùa hè như các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hó

a...

Bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng

Chăm sóc trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm mùa hè tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, những ngày nắng nóng ghi nhận có khoảng 400 lượt bệnh nhi tới khám mỗi ngày, trong đó có trên 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị, tăng khoảng 20% so với những ngày trước đó. Các bệnh thường gặp về mùa hè đối với trẻ em là bệnh về hô hấp như viêm tai, mũi, họng hoặc nặng hơn là viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Ngoài ra còn có các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não… và các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói...

Chăm con đang điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, chị Trần Thị Hồng Hạnh, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, mấy hôm trước con tôi có biểu hiện khác thường như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy nhiều trong đêm. Qua thăm khám và điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe của cháu đã có tiến triển tốt, có thể ăn uống được và không đau bụng nữa. Các bác sĩ chẩn đoán, cháu tiêu chảy do ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều loại thực phẩm và uống nước đá lạnh. 

Bác sỹ Trần Thị Thoa, Khoa Dinh dưỡng và Tiêm chủng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường tăng cao dễ làm trẻ bị mắc các bệnh truyền nhiễm mùa hè và chịu nhiều tác động không tốt cho sức khỏe. Để phòng bệnh cho trẻ, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế cho trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30oC, tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Cùng với đó, cha mẹ cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh đã có vắc xin, giúp bảo vệ sức khỏe cho con em mình một cách tốt nhất.

Đối với người cao tuổi, những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay cũng dễ mắc các bệnh như cảm cúm, huyết áp cao, thấp; các bệnh về đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm xoang, nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi. Một số người đã mắc các bệnh mãn tính có thể gia tăng nặng, như viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi gặp nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính, các bệnh về não, tim mạch dễ gây đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.

Những ngày nắng nóng đầu tháng 6, mới sáng sớm nhưng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn có khá đông người dân đến khám, điều trị, trong đó tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi chiếm khá lớn. Bác sỹ CKI.Trần Thái Sơn, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Do sự suy yếu của cơ thể cũng như hệ thống miễn dịch giảm dần nên người cao tuổi hay mắc bệnh vào mùa hè, mùa đông, khi thời tiết thay đổi bất thường. Do đó, người cao tuổi cần được duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý để đảm bảo sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng

Nắng nóng gay gắt khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện điều trị  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Nguyên nhân của các bệnh mùa hè đối với người cao tuổi thường là do tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ quá thấp hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang ở môi trường nắng nóng vào phòng máy lạnh ngay,... Nguy hiểm nhất là cơn tăng huyết áp đột ngột, nhẹ thì có thể thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim; nếu nặng có thể xảy ra xuất huyết não, đột quỵ. Đặc biệt là bệnh đột quỵ ở người cao tuổi thường xảy ra vào mùa nắng nóng chiếm tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch. Bệnh đột quỵ mùa nắng nóng ở người cao tuổi thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng, lúc thân nhiệt có nhiều thay đổi. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột, dễ gây các biến chứng nguy hiểm

Bác sỹ CKI.Trần Thái Sơn, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Dự báo mùa hè năm nay, thời tiết khắc nghiệt với nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở, gây ra các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…) và việc không đảm bảo về an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột quỵ, đột tử.

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe trong mùa nắng nóng, mỗi người cần uống nhiều nước. Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải nên cần bổ sung đầy đủ nước. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas, bởi khiến cơ thể càng mất nước. Trung bình mỗi người cần uống từ 2,5 - 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng. Nếu phải làm việc ngoài trời, sau một khoảng thời gian cần vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt, bổ sung thêm nước. Nên chia thành từng ngụm nhỏ, bổ sung nước thường xuyên, không để khi cơ thể quá khát mới bổ sung nước.

Về chế độ dinh dưỡng: Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi… Nên mặc trang phục nhẹ, rộng, dễ thấm mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, nhưng tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; đội mũ rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt... Ngoài ra cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm. Giữ nhà cửa thông thoáng, tắt hết các thiết bị điện không cần thiết để tránh tỏa nhiệt nóng. Nên tập thể dục thể thao vào thời điểm sáng sớm vừa giúp tránh các tác hại do thời tiết nắng nóng, vừa giúp cho người chơi thể thao có tinh thần tốt hơn.

Khi dùng quạt và điều hòa cần lưu ý: Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người; sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột để tránh bị sốc nhiệt. Không nên ở trong phòng điều hòa liên tục, dễ ảnh hưởng đến da và bị các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời. Nếu đi từ ngoài vào phòng điều hòa nên chờ một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.

Bài, ảnh: Hạnh Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 151
Hôm qua : 220
Năm 2024 : 16.728
Năm trước : 64.366
Tổng số : 259.671