A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ngày càng tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Ninh Bình, số ca bệnh và các ổ dịch SXH cũng không ngừng gia tăng, với nhiều ổ dịch kéo dài, lây lan rộng. Trong đó, hiện đang là thời điểm có mưa nhiều và nền nhiệt độ dao động từ 25-33⁰C, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, đòi hỏi sự quan tâm và ý thức phòng tránh tích cực của người dân, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng trong cộng đồng.

 

Tuyên truyền cho người dân xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) về bệnh SXH.

 

Thành phố Tam Điệp là một trong những địa phương thời gian qua có nhiều trường hợp mắc SXH và các ổ dịch kéo dài. Tính đến nay, thành phố có 17 trường hợp mắc SXH, trong đó có 9 ca bệnh nội tỉnh và 8 ca bệnh xâm nhập với 3 ổ dịch, trong đó còn 1 ổ dịch đang hoạt động. 

Các ca bệnh và ổ dịch xuất hiện ở 3 địa phương là phường Nam Sơn và xã Quang Sơn, Đông Sơn. Để kịp thời ngăn chặn, không để dịch bùng phát, thành phố Tam Điệp đã chỉ đạo Phòng Y tế, cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp phòng, chống và xử lý triệt để các ổ dịch. 

Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức. Tại tất cả các Trạm y tế xã, phường đã lồng ghép công tác khám chữa bệnh kết hợp với tuyên truyền đến từng hộ gia đình, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh cũng như cách điều trị khi có triệu chứng. 

Cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp với Mặt trận và các hội, đoàn thể tổ chức cho các đoàn viên, hội viên, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh thực hiện các đợt cao điểm vệ sinh môi trường để xử lý nước đọng, thu gom rác thải, phun hóa chất diệt muỗi. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ tháng 6/2023 đến ngày 20/9, toàn tỉnh ghi nhận 135 ca bệnh. Trong đó, tháng 6 ghi nhận 6 ca bệnh, tháng 7 ghi nhận 20 ca bệnh, tháng 8 là 54 ca bệnh và 20 ngày đầu tháng 9 ghi nhận 55 ca bệnh. Các ca bệnh có độ tuổi từ 1-97 tuổi, độ tuổi trung bình là 34,3 tuổi, gồm 80 nam và 58 nữ. Trong đó, có 13 trẻ em dưới 15 tuổi; có 1 trường hợp là người nước ngoài. 

Bệnh SXH xuất hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó nhiều nhất là huyện Yên Mô với 27 ca bệnh, tiếp đến là huyện Gia Viễn 23 ca bệnh, các địa phương còn lại dưới 10 ca bệnh, ít nhất là huyện Hoa Lư với 7 ca bệnh. Đây là những ca bệnh đã được ghi nhận và điều trị tại cơ sở y tế, trong đó nhiều nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình với 73 ca, còn lại là các cơ sở y tế trong tỉnh.

Toàn tỉnh ghi nhận 28 ổ dịch SXH, trong đó có 16 ổ dịch đã kết thúc, còn 12 ổ dịch đang hoạt động tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong số đó, có 14 ổ dịch kéo dài 2 tuần và không phát sinh ca bệnh thứ phát; có 1 ổ dịch ở thôn 5, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp đã kéo dài đến ngày thứ 39, phát sinh ca bệnh thứ 7; có 1 ổ dịch ở phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình kéo dài đến ngày thứ 22. 

Số ổ dịch cao nhất là ở tháng 9, ghi nhận 16 ổ dịch, tiếp đến là tháng 8 với 7 ổ dịch, tháng 7 với 4 ổ dịch, tháng 6 ghi nhận 1 ổ dịch. Đã có 1 bệnh nhân phải chuyển viện (do có bệnh kèm theo), có 1 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, chưa có bệnh nhân tử vong.

Phun hóa chất khử trùng các ổ dịch SXH nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, hiện đang là thời gian có mưa nhiều và nền nhiệt độ dao động từ 25-33⁰C, sẽ là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Cùng với đó, một bộ phận học sinh, sinh viên đi về từ các nơi có dịch; lưu lượng khách du lịch đến Ninh Bình liên tục tăng cao cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan. 

Mặc dù số trường hợp mắc SXH chưa cao, nhưng trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ và có nhiều trường hợp bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, triệu chứng bệnh không điển hình lúc mới khởi phát, dẫn đến người bệnh và người dân chủ quan và có thể sẽ đến cơ sở y tế muộn hơn, làm cho dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan hơn trong cộng đồng. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông tăng cường tuyên truyền phòng chống SXH. Hỗ trợ Trung tâm y tế các huyện, thành phố giám sát và xử lý ổ dịch đang còn hoạt động. Tiếp tục duy trì giám sát dựa vào sự kiện, thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình ghi nhận bệnh nhân tại các cơ sở điều trị để kịp thời lấy mẫu chẩn đoán ca bệnh. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố xử lý dịch khi có yêu cầu.

Trước thực tế số ca bệnh SXH tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhất là thời tiết hiện nay có mưa nhiều và nắng nóng, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Sở Y tế đã có văn bản tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH gửi các đơn vị trong toàn ngành Y tế; các Bệnh viện Quân y 5, Công an tỉnh; Bệnh xá Quân đoàn I và các Phòng khám đa khoa tư nhân. 

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tham mưu chính quyền địa phương triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống SXH trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu  vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. 

Đồng thời, củng cố hệ thống cán bộ làm công tác giám sát các tuyến, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế. Thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì, phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng,  tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. 

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc SXH, khai thác kỹ tiền sử dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời; thông báo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng cùng cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. 

Giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị tuyến cuối trong tỉnh tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho đơn vị tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, máu và vật tư y tế để điều trị bệnh nhân. 

nguồn: Hạnh Chi/baoninhbinh.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 110
Năm 2024 : 16.139
Năm trước : 64.366
Tổng số : 259.082