A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

HIẾN MÔ TẠNG MỘT NGHĨA CỬ CAO ĐẸP

Hiến tặng giác mạc là việc làm có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn rất sâu sắc, hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho người đang sống mù lòa làm giảm bớt gánh nặng cho chính bản thân họ; cho gia đình và cộng đồng.

 

Tại Việt Nam ước tính hiện có hàng trăm nghìn người mù do các bệnh lý giác mạc cần được cấy ghép, song nguồn cung lại rất hạn chế. Do đó, việc làm ý nghĩa của những người dân nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời đem lại ánh sáng cho người mù là một nghĩa cử cao đẹp.

Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, trong những năm qua Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Ninh Bình đã đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền vận động người dân đăng ký và hiến mô tạng.

Với phương châm truyền thông, vận động “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian người dân từng bước thấu hiểu ý nghĩa của việc hiến mô, tạng, để cứu người; sự nhiệt tình, tích cực tuyên truyền vận động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác hiến mô tạng, năm 2007 bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn đã tình nguyện hiến giác mạc.

Đây là trường hợp đầu tiên của tỉnh nhà cũng như Việt Nam tình nguyện hiến giác mạc, là bước ngoặt, mở ra tương lai cho các bệnh nhân đang chờ ghép giác mạc. Đặc biệt tháng 03 năm 2008 tổ chức ORBIS đã tài trợ cho Ninh Bình Chương trình dự án (ORBIS): Chương trình đã diễn ra 03 năm để đào tạo huấn luyện viên và trên 400 tình nguyện viên có kiến thức và kỹ năng tham gia vận động người dân đăng ký và hiến giác mạc sau khi qua đời.

Từ những kết quả bước đầu, trong thời gian qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông, vận động, tăng cường phối hợp với Viện mắt Trung ương; Ngân hàng mắt; các tổ chức tôn giáo, chức sắc, kịp thời tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc; chính vì vậy, đến nay toàn tỉnh đã có trên 16.000 người đăng ký hiến mô, tạng và đặc biệt là đã có 380 người hiến giác mạc, đem lại ánh sáng cho 760 người bị mù lòa sau khi được ghép giác mạc.

 Nối tiếp kết quả trong công tác vận động hiến giác mạc; ngày 23/2/2018 và ngày 12/12/2018, Hội CTĐ tỉnh đã gặp gỡ, chia sẻ, vận động gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh, ở TP Tam Điệp và gia đình Ông Dương Hồng Quý, ở TP Ninh Bình, nén đau thương, vượt qua rào cản về tâm linh, tình nguyện hiến mô, tạng của người thân để cứu chữa người bệnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện TW quân đội 108, bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 02 ca hiến tạng của tỉnh Ninh Bình; những trái tim, những quả thận, những lá gan, lá phổi của Ông Lê Hải Ninh và Ông Dương Hồng Quý, đã nối tiếp sự sống cho 10 người bệnh; giờ đây sức khỏe của những bệnh nhân được ghép tạng được hồi sinh sự sống một phần của chính mình, một phần cao cả từ người hiến tặng.

Nghĩa cử nhân văn, hành động cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh, Ông Dương Hồng Quý và gần 400 người đã hiến giác mạc trong thời qua đã được cộng đồng xã hội tôn vinh ghi nhận, các cơ quan truyền thông đưa tin đậm nét.

Việc hiến tạng đầy ắp tính nhân đạo của Thiếu tá Lê Hải Ninh, Ông Dương Hồng Quý đã được Bộ Y tế tặng Bằng khen, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam truy tặng Kỷ niệm Chương “Vì sức khỏe nhân dân”, “Vì sự nghiệp nhân đạo”; đây là tiền đề, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp mạnh mẽ, tạo động lực cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tích cực hơn nữa trong công tác vận động hiến mô, tạng.

Trao Kỷ niệm chương cho gia đình ông Dương Hồng Quý- Thành phố Ninh Bình

 

Những năm qua, mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng công tác truyền thông, vận động nhân dân hiến mô, tạng trên địa bàn Tỉnh đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đến nay, tỉnh Ninh Bình là đơn vị đứng đầu toàn quốc về công tác vận động hiến mô, tạng năm 2018 Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình được tặng Bằng khen của Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người..

Có được kết quả trên, đó là sự nhiệt tình, vô tư trong công tác đối với mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ; sự phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo; các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến mô, tạng; sự phối hợp, chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với Viện Mắt Trung ương; Ngân Hàng Mắt; Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức đoàn thể, đã vận động người dân hiểu và vượt qua rào cản về tâm linh đó là khi mất thì cơ thể phải trọn vẹn, để mọi người tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời; đặc biệt là cần tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong công tác vận động hiến mô, tạng. Tỉnh Hội đã thành lập được phòng Chăm sóc sức khỏe phụ trách công tác vận động hiến mô tạng và bộ phận cơ thể người. Đến nay Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình đã là địa chỉ thân quen cho người dân hàng ngày đến đăng ký hiến mô tạng; bộ phận cơ thể người.

Trao thẻ cho các tình nguyện viên hiến mô, tạng

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tiếp tục tổ chức truyền thông sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp nhân dân về Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng. Phối hợp tôn vinh những người đã tình nguyện hiến mô, tạng. Tổ chức tập huấn công tác vận động đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận, cơ thể người cho cán bộ Hội cơ sở, nhất là các đơn vị chưa có người hiến giác mạc trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát động trong toàn hội đăng ký hiến mô, tạng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cập nhật việc đăng ký hiến mô, tạng. Thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình đã có người hiến mô, tạng; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức tôn giáo, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền, vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng khi không may qua đời.

Hiện nay, tại các bệnh viện trên cả nước có hàng ngàn bệnh nhân đang mong chờ được ghép mô, tạng; mà chỉ có ghép mô, tạng mới có thể làm thay đổi cuộc đời của họ; nối dài sự sống cho họ.

 Để tiếp tục có nguồn mô, tạng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình mong muốn và kỳ vọng các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể hãy chung tay với Hội Chữ thập đỏ, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; làm lan tỏa câu chuyện tốt đẹp của bà Nguyễn Thị Hoa, Ông Lê Hải Ninh, Ông Dương Hồng Quý và nhiều người khác nữa đã hiến giác mạc Ở huyện Kim Sơn; TP Ninh Bình; Thành phố Tam Điệp; Yên Khánh; Gia Viễn; Hoa Lư; Yên mô, để mỗi người trong cộng đồng từng bước thay đổi nhận thức, cùng nhau đăng ký và quyết định hiến tặng mô, tạng khi chẳng may qua đời, mang lại ánh sáng; cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

                     Trịnh Kim Tú  

 


Tác giả: Trịnh Kim Tú
Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 26
Hôm qua : 124
Năm 2024 : 14.728
Năm trước : 64.366
Tổng số : 257.671