• :
  • :
Chào mừng đến với hội chữ thập đỏ Ninh Bình
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH), đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được quan tâm và kiểm soát tốt, không để dịch bùng phát trên diện rộng.

Phun hóa chất khử khuẩn tại ổ dịch xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ghi nhận 38 ca bệnh SXH được điều trị tại cơ sở y tế. Độ tuổi mắc SXH từ 4-66 tuổi, trong đó có 7 trẻ dưới 15 tuổi. Tính riêng trong tháng 7 có 17 trường hợp, 12 ngày đầu tháng 8 đã ghi nhận 12 trường hợp, cho thấy, dịch bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng.

Toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ổ dịch ở 5/8 địa phương, gồm Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Trong đó có 4 ổ dịch kéo dài 2 tuần và không phát sinh ca bệnh thứ phát; 1 ổ dịch ở thôn 5, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã kéo dài đến ngày thứ 27, phát sinh ca bệnh thứ 7 và có nguy cơ tiếp tục phát sinh thêm các ca bệnh tiếp theo. 

Bác sĩ Hoàng Văn Thuật, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp cho biết: Tại xã Đông Sơn, ca bệnh mắc SXH đầu tiên xuất hiện ngày 18/7, đến nay trên địa bàn xã đã xuất hiện 4 ổ dịch với 6 bệnh nhân mắc. Đến ngày 12/8, thành phố Tam Điệp ghi nhận 10 ca bệnh SXH, trong đó có 7 ca nội tỉnh, 3 ca bệnh xâm nhập. Hiện có 7/10 ca bệnh đã được điều trị khỏi.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế thành phố đã chỉ đạo các Trạm y tế trên địa bàn thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, nhằm kiểm soát tốt các ca bệnh nội tỉnh và ngoại tỉnh, quyết tâm không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp tiến hành xử lý môi trường, thực hiện các đợt phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; giám sát chặt chẽ các véc tơ truyền bệnh; xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi tại các nơi phát hiện ổ dịch. 

Đồng thời, cán bộ Trạm Y tế xã Đông Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh và trực tiếp đến các gia đình, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH như ngủ màn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt; huy động các lực lượng cùng tham gia phòng, chống dịch SXH tại những nơi có các công trình công cộng đang xây dựng, khu tập trung nhiều cây cối, đọng nước, ẩm ướt... 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, hiện đang là thời điểm có mưa nhiều và nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Cùng với đó, học sinh, sinh viên nghỉ hè, một bộ phận đi về từ các nơi có dịch sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan.

Hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc SXH chưa cao nhưng đã ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ và có nhiều trường hợp bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, với triệu chứng bệnh không điển hình lúc mới khởi phát. Do đó dẫn đến tâm lý chủ quan của bệnh nhân và người nhà trong việc đến cơ sở y tế điều trị, làm cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao hơn trong cộng đồng.

Cán bộ y tế tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình về các biện pháp phòng bệnh SXH.

(ảnh chụp tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp).

 

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, kịp thời ngăn chặn, xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, ngày 11/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 601/UBND-VP6 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung:

Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh SXH và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. 

Định kỳ tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phun hóa chất diệt muỗi trong khuôn viên cơ quan, đơn vị để phòng chống dịch, nhất là khi xuất hiện ổ dịch hoặc thuộc khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định dịch tễ. Khuyến cáo người dân đến ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu nghi mắc SXH.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống SXH, thực hiện thường xuyên tại những địa phương có ổ dịch, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý. 

Chủ động dự phòng kinh phí và các điều kiện phục vụ cho công tác phòng, chống SXH; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn. UBND thành phố Tam Điệp phối hợp ngành Y tế khẩn trương xử lý triệt để ổ dịch tại thôn 5, xã Đông Sơn và những khu vực có ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch SXH; đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống SXH; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh và cả nước; đánh giá nguy cơ, chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.

Các đơn vị trong ngành Y tế đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền để cấp cứu, điều trị người bệnh SXH. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến điều trị, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Thường xuyên tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị. Cập nhật, tập huấn kiến thức về phòng, chống dịch bệnh SXH tại tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chống dịch tại ổ dịch và phòng dịch tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngành Y tế khuyến cáo, bệnh SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện muộn sẽ để lại hậu quả nặng nề, thậm chí có thể tử vong. Do vậy, việc tăng cường phòng, chống bệnh SXH luôn cần thiết và đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, trong đó vai trò của người dân rất quan trọng, cần nâng cao ý thức phòng, chống cho bản thân và gia đình, chủ động các biện pháp phòng bệnh, không để mắc bệnh và lây lan thành dịch trong cộng đồng.


Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-sot-xuat-huyet/d20230813141729120.htm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 81
Hôm qua : 109
Năm 2024 : 41.961
Năm trước : 64.366
Tổng số : 284.904