Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình: Phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo
Ngày 06/7/1992, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập, trải qua 30 năm qua xây dựng và phát triển, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ…”, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã hướng về cơ sở, nắm bắt nhu cầu, lợi ích của đối tượng trong tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tạo môi trường trợ giúp phát triển bền vững mang tính cộng đồng, được nhiều tổ chức và đông đảo nhân dân tích cực tham gia.
Toàn tỉnh hiện có 184 cơ sở hội; 24.560 hội viên; 6.100 tình nguyện viên; 41.804 thanh thiếu niên; 164 cán bộ hội chuyên trách ở 3 cấp. Công tác xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm và nâng cao cả về số lượng, chất lượng, đã phát triển vượt bậc. Đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh có 03 phòng chuyên môn với 12 biên chế; 08 huyện, thành Hội với 11 cán bộ chuyên trách.
Công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo được triển khai thực hiện kịp thời, đạt kết quả cao; đã kết nối ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia các hoạt động nhân đạo. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được các cấp Hội đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đối tượng cần được trợ giúp; đồng thời tuyên truyền, vận động kết nối các “Địa chỉ nhân đạo” đến với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, để các nhà hảo tâm chia sẻ và lựa chọn hình thức trợ giúp, sát với nhu cầu của đối tượng. Giai đoạn từ năm 2016 – 2021, đã có 807 địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ, với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội đã vận động xây dựng 65 căn nhà chữ thập đỏ, nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, trị giá trên 4,5 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai Cuộc vận động, các cấp Hội đã linh hoạt, thay đổi các hình thức trợ giúp cho các đối tượng khó khăn, như: Trao tặng quà, tặng bò giống, tặng học bổng, tặng xe lăn, xe đạp, tặng cơm, cháo, sữa miễn phí…; kết nối chương trình “Vì bạn xứng đáng” trên VTV3, chương trình “Vòng tay nhân ái, chương trình “Cánh diều mơ ước”… Kết quả, đã có trên 10.000 lượt đối tượng được trợ giúp kịp thời, trị giá hoạt động trên 7,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trao tặng quà
cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Bên cạnh đó, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành hoạt động thường xuyên của Hội mỗi khi Tết đến xuân về. Với phương châm “Mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp Hội đã đẩy mạnh vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, kịp thời trao tặng quà đến các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… đảm bảo trang trọng, ấm áp tình người, toàn hội đã trao tặng trên 38.000 suất quà Tết, tổng trị giá hàng hóa và tiền mặt trên 18 tỷ đồng.
Song song với đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong “Tháng Nhân đạo”, thu hút được đông đảo các nhà hảo tâm tham gia; tổ chức các phiên chợ, gian hàng 0 đồng đã nhận được các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Thông qua “Tháng Nhân đạo” hàng năm, đã có trên 10.000 lượt đối tượng khó khăn được trợ giúp, giá trị hàng hóa nhu yếu phẩm, tiền mặt trị giá trên 5 tỷ đồng.
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thời gian qua là việc thực hiện phong trào hiến máu nhân đạo. Thông qua các chương trình như: “Lễ hội Xuân hồng”, “Chủ nhật đỏ”, “Giọt hồng công nhân Ninh Bình”, “Những giọt máu hồng hè”… đã thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được trên 50.000 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện và đã tiếp nhận 45.000 đơn vị máu (tương đương 12.500 lít máu, trị giá trên 40 tỷ đồng). Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 7000 người đăng ký tham gia hiến máu, tiếp nhận được 6008 đơn vị máu, đạt 71% kế hoạch tỉnh giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu về máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Hội đã vận động tiếp nhận được 11.000 đơn vị máu - con số cao nhất từ trước tới nay. Việc tiếp nhận máu đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu về máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và chia sẻ trên 2000 đơn vị máu vận chuyển vào các tỉnh phía Nam, kịp thời hỗ trợ các bệnh viện trong việc cấp cứu và điều trị người bệnh khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh.
Hội cũng đã thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của các CLB “Ngân hàng máu sống”, CLB nhóm máu hiếm (Rh-). Tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện là các đơn vị như Kim Sơn, TP Ninh Bình, Yên Mô, Gia Viễn, TP Tam Điệp, Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh …
Công tác thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trường học được thực hiện hiệu quả, góp phần cho việc hình thành và phát triển nhân cách đạo đức cho học sinh, giúp các em xây dựng và duy trì lòng nhân ái, thương người, tích cực giúp đỡ, động viên vật chất và tinh thần những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo, tỉnh Đoàn xây dựng, duy trì và phát triển các tổ chức Hội trong nhà trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân đạo như Chương trình “Trường tới trường- kết nối yêu thương”, phối hợp khảo sát những trường học, giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, vận động các trường có điều kiện tốt hơn kết nghĩa với trường học khó khăn để hỗ trợ cơ sở vật chất, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, giảng dạy. Triển khai chương mô hình vận động, ủng hộ, gây quỹ nhân đạo trong trường học như: Nuôi lợn nhân đạo, ủng hộ xây dựng Nhà Chữ thập đỏ - Khăn quàng đỏ, quyên góp quần áo, đồ dùng học tập giúp bạn nghèo vượt khó, xây dựng tủ thuốc cấp cứu, tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu, tham gia vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, tập huấn phòng ngừa thảm họa, vệ sinh môi trường… Những hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế các tệ nạn xã hội trong và ngoài trường học.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ngân hàng Mắt Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận giác mạc của anh Nguyễn Văn Vượng, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn (ngày 09/6/2022)
Đặc biệt, phát huy những kết quả từ những nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ qua các cấp Hội không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động người dân hiến giác Mạc (Mô), mà đã từng bước chuyển sang vận động người dân hiến Tạng, khi người bệnh không may bị chết não. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo và các cơ quan, đơn vị; kiên trì, tích cực, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký và hiến mô, tạng; đến nay toàn tỉnh có trên 17.000 người đăng ký hiến mô, 494 người hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho gần 1.000 người có bệnh lý về mắt khi được ghép giác mạc và 3 người hiến tạng nối dài và duy trì sự sống cho nhiều người bệnh khác (trong đó có trên 2000 người đã được cấp thẻ đăng ký theo mẫu mới), đây là hoạt động nổi bật, mô hình tiêu biểu của Hội, là đơn vị dẫn đầu toàn quốc, là hoạt động không thể đong đếm giá trị bằng giá trị vật chất, mà nói lên giá trị nhân đạo cao cả nhất giữa con người với con người trong cộng đồng xã hội;
Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng; hoạt động sơ cấp cứu đã đạt được kết quả nhất định. Hội đã thường xuyên phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19…
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội
Với những việc làm ý nghĩa, mang tính nhân đạo sâu sắc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nhân đạo, chăm lo tốt các đối tượng chính sách, người nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phùng Luyến