Hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu bia có liên quan gì tới nhóm máu?
Nhiều người khi uống rượu bia, dù chỉ chút xíu cũng gặp hiện tượng đỏ mặt. Có ý kiến cho rằng hiện tượng này có liên quan đến nhóm máu.
Một số người tin rằng nhóm máu nào đó sẽ bị tác động bởi hợp chất trong bia rượu, từ đó khiến người uống bia rượu bị đỏ mặt, trong khi những người thuộc nhóm máu khác lại không bị ảnh hưởng.
Thực tế hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa nhóm máu với biểu hiện đỏ mặt khi uống rượu bia. Nhóm máu không hề ảnh hưởng đến việc uống rượu bia có đỏ mặt. Trong y học, hội chứng đỏ mặt khi uống rượu được gọi là “Asian flush” vì đa số người mắc phải là người châu Á.
Theo BS Đoàn Duy Mạnh, Hội bệnh mạch máu Việt Nam, người có hiện tượng đỏ mặt không đồng nghĩa với việc họ đã say hay tửu lượng kém. Hiện tượng này xảy ra do thiếu hụt ALDH, hệ thống enzyme aldehyde dehydrogenase (ADH) đóng vai trò phân giải các phân tử cồn và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Khi bia, rượu được hấp thụ vào cơ thể, chúng sẽ được gan chuyển hóa qua hai bước. Bước đầu tiên là biến rượu thành acetaldehyde. Bước hai là chuyển acetaldehyde thành acetate. Tuy nhiên, phần đông mọi người, chủ yếu là những người châu Á thường không tự sản xuất enzyme ADH trong cơ thể.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một loại gene đột biến tiến hóa theo thời gian. Vì thế, cơ thể của những ai sở hữu loại gene này sẽ tích tụ lượng acetaldehyde nhiều gấp 6 lần người khác dẫn đến hiện tượng đỏ mặt.
Ngoài ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa bia rượu, phản ứng mạch máu của từng cá nhân cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đỏ mặt. Mạch máu của một số người có nhiều khả năng giãn ra, dẫn đến lưu lượng máu lưu thông đến mặt tăng lên sau khi uống rượu, khiến khuôn mặt đỏ bừng lên.
Một số khác khi dùng rượu bia khuôn mặt lại tái nhợt, nguyên nhân là do rượu bia có tác dụng ức chế máu, khiến mạch máu co lại và lượng máu lưu thông giảm, làm sắc mặt tái nhợt.
Theo Vov.vn
Nguồn:
Theo Vov.vn