Truyền máu hòa hợp phenotype là gì?
Máu có vai trò quan trọng trong duy trì sự sống. Kể từ khi phát hiện ra các nhóm máu của hệ nhóm máu ABO, sử dụng máu truyền cho người bệnh là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong cấp cứu và điều trị người bệnh. Để đảm bảo an toàn truyền máu, ngoài việc cung cấp đủ lượng máu, việc truyền máu hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu (truyền máu hòa hợp phenotype) giữa người cho và người nhận là rất quan trọng.
SỰ PHÁT TRIỂN CÁC HỆ THỐNG NHÓM MÁU
Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Năm 1940, Karl Landsteiner và nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hệ nhóm máu Rh. Tiếp sau đó là các hệ nhóm máu: Kell, Duffy, Kidd, Lewis, MNS…
Công tác truyền máu an toàn cũng thêm một bước tiến nhờ việc các nhà khoa học đã đề cập đến việc thực hiện xét nghiệm hòa hợp giữa người cho và người nhận.
Tháng 06/2021, Hội Truyền máu Quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Mỗi hệ thống nhóm máu gồm 1 hoặc nhiều kháng nguyên, phức tạp nhất là hệ nhóm máu Rh với trên 50 kháng nguyên.
THẾ NÀO LÀ NHÓM MÁU HIẾM?
Hội Truyền máu Quốc tế quy ước: một nhóm máu có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy thì ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số.
Hiện cả nước có nhiều Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(D) âm cùng hoạt động, từ miền Bắc, khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố khác. Việc duy trì các Câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã giúp cho người mang nhóm máu hiếm được truyền máu an toàn khi không may cần máu.
TRUYỀN MÁU HÒA HỢP PHENOTYPE LÀ GÌ?
Theo TS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW, ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Với 43 hệ thống nhóm máu với 376 kháng nguyên hồng cầu khác nhau đã được phát hiện thì rất khó để tìm được 2 cá thể có các kháng nguyên nhóm máu hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.
Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).
CÁC XÉT NGHIỆM THỰC HIỆN TRƯỚC TRUYỀN MÁU
Với những lý do trên, các xét nghiệm bắt buộc thực hiện trước truyền máu bao gồm:
- Xác định nhóm máu hệ ABO, hệ Rh(D) cho cả mẫu máu người bệnh và đơn vị máu.
- Xét nghiệm hòa hợp miễn dịch giữa mẫu máu người bệnh và đơn vị máu, chế phẩm máu ở cả nhiệt độ phòng, nhiệt độ 37oC và trong điều kiện có sử dụng huyết thanh kháng globulin.
- Sàng lọc kháng thể bất thường với người bệnh: có tiền sử truyền máu, phụ nữ có tiền sử chửa, đẻ, sảy thai nhiều lần, người bệnh truyền máu nhiều lần trong một đợt điều trị. Nết kết quả sàng lọc kháng thể bất thường cho kết quả dương tính, cần làm xét nghiệm định danh kháng thể bất thường. Và từ đó lựa chọn đơn vị máu phù hợp, không có các kháng nguyên tương ứng với các kháng thể đã có trong huyết thanh của người bệnh.
VAI TRÒ CỦA TRUYỀN MÁU HÒA HỢP PHENOTYPE
Như đã nói ở trên, vai trò đầu tiên là để hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận.
Bên cạnh đó, truyền máu hòa hợp nhóm máu hệ hồng cầu còn giúp:
- Hạn chế được việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu.
- Hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần truyền máu thường xuyên.
- Hạn chế bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch.
- Nhờ đó mang lại hiệu quả về xã hội và kinh tế cho người bệnh sống phụ thuộc vào truyền máu, giúp họ sống có chất lượng, giảm chi phí do giảm số lần vào viện và giảm số lần truyền máu.
XÂY DỰNG NGÂN HÀNG HIẾN MÁU DỰ BỊ
Sự đa dạng của các kháng nguyên nhóm máu là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế, đặc biệt là lĩnh vực truyền máu trong cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm và cần truyền máu hòa hợp phenotype. Trong khi đó, chi phí để làm xét nghiệm đầy đủ các kháng nguyên nhóm máu khá tốn kém. Nhiều năm qua, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình/dự án mà Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên (người hiến máu phenotype).
HUY ĐỘNG MÁU HIẾM, MÁU PHENOTYPE ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm hoặc nhóm máu hòa hợp phenotype hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, khi được thông báo có nhóm máu hiếm, gia đình người bệnh thường rất hoang mang, chủ động đăng tải thông tin lên mạng xã hội hoặc liên hệ trực tiếp với người có nhóm máu hiếm, thậm chí đăng tải cả trước khi người bệnh có chỉ định truyền máu. Điều đó dẫn đến tình trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội, khó khăn cho công tác xác minh thông tin.
Thông thường các bệnh viện sẽ gửi dự trù cần máu nhóm hiếm hoặc máu hòa hợp phenotype tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hoặc các Trung tâm Truyền máu lớn. Nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm hoặc nhóm hòa hợp phenotype không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách.
Chỉ tính riêng năm 2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm và 780 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu./.