• :
  • :
Chào mừng đến với hội chữ thập đỏ Ninh Bình
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm lòng người bệnh từ những bếp ăn tình thương

Cuộc sống của những người nghèo vốn đã khó khăn, họ càng vất vả hơn khi bản thân, hoặc người thân mắc bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày.  Để san sẻ bớt khó khăn với người bệnh, những năm qua, ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bếp ăn tình thương được hình thành và duy trì hoạt động thường xuyên. Người góp công, người góp của… cứ như vậy, các bếp ăn tình thương luôn đỏ lửa, kịp thời gửi tặng những suất cơm nghĩa tình đến với người bệnh, giúp họ có thêm động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật.

 

Bếp ăn tình thương tại BVĐK huyện Kim Sơn

Hơn 5 giờ sáng, bà Dương Thị Thanh và những người trong nhóm nấu cháo từ thiện ở xã Đồng Hướng (Kim Sơn) đã hoàn thành việc phát hơn 200 suất cháo cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn. Đây là việc làm đã được nhóm duy trì hơn 7 năm nay, dưới sự hỗ trợ của chùa Đồng Đắc.

Sắp bước vào tuổi thất thập, nhưng bà Thanh bảo còn sức khỏe thì bà còn gắn bó với hoạt động ý nghĩa này. Cả gia đình đều ủng hộ và tạo điều kiện để bà tham gia nấu cháo tặng bệnh nhân nghèo 2 lần mỗi tháng. 

Bà Thanh chia sẻ, đối tượng phục vụ của bếp là những người bệnh, vì vậy thực phẩm được lựa chọn tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng. Khoảng 4 giờ sáng nhóm bắt đầu nổi lửa nấu cháo. Nhóm nấu cháo có khoảng 5-6 người. Mỗi người một việc, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt và nhanh nhất công việc. Sau khi hoàn thành việc nấu cháo, sẽ có thêm khoảng 10 người nữa hỗ trợ vận chuyển tới viện, chia cháo và trao tận tay người bệnh.

"Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhận cháo ở địa điểm phát cố định. Đối với những bệnh nhân không tự ra lấy cháo được, chúng tôi sẽ phát tận nơi. Bên cạnh cốc cháo, chúng tôi tặng kèm với một hộp sữa. Hoạt động này đã kéo dài hơn 7 năm nay rồi và trở thành việc làm quen thuộc đối với chúng tôi"- bà Thanh nói.

Chia sẻ về lý do hình thành bếp ăn đặc biệt này, sư thầy Thích Minh Tông, Trụ trì chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) cho biết: Có lần tôi quan sát, thấy những người bệnh hoặc thân nhân người bệnh khi đi mua đồ ăn đều rất đắn đo trong việc lựa chọn thực phẩm. Có những người bệnh, vì khó khăn mà chỉ ăn uống cho qua bữa, rất tội nghiệp. Nếu có sự hỗ trợ, dù chỉ là một bát cháo giàu dinh dưỡng nhưng chứa đựng nguồn động viên lớn thì không chỉ giúp họ bớt khó khăn về vật chất mà còn tiếp thêm năng lượng tích cực để họ chiến thắng bệnh tật. 

Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại tổ chức một buổi nấu cháo để tặng cho người bệnh. Dần dần, hoạt động này nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và hỗ trợ của nhiều phật tử, bà con nhân dân trên địa bàn. Bây giờ thì quy mô của bếp nấu đã lớn hơn, hoạt động thường xuyên và bài bản hơn nhiều với sự hỗ trợ của 15 tình nguyện viên. Chúng tôi thực hiện nấu 2 lần/tháng, mỗi lần nấu phục vụ khoảng 200 suất ăn… Tôi rất mong có thêm nhiều hơn nữa các tình nguyện viên cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này, nhất là những người trẻ. Bởi khi mọi người cùng chung tay làm việc thiện thì xã hội sẽ nhân ái, tốt đẹp và ngập tràn yêu thương.

Nhà hàng Ba Nhất phối hợp với Hội CTĐ tỉnh tặng cơm cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Mỗi tháng 1 lần, anh Vũ Đức Thọ, chủ nhà hàng Ba Nhất, ở xã Ninh An (Hoa Lư) cũng tổ chức một buổi nấu hàng trăm suất cơm dành tặng cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những món ăn nấu dành cho người bệnh đều được anh Thọ và những người đồng hành tính toán đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và tạo sự mới mẻ, ngon miệng. 

Anh Thọ chia sẻ: Để có thể nấu hàng trăm suất cơm, tôi phải nhờ thêm sự ủng hộ của bà con địa phương, của những người bạn có cùng mong muốn làm thiện nguyện. Dần dần, hoạt động đi vào nề nếp. Mỗi người mỗi công việc để mưu sinh nhưng đến ngày tổ chức nấu ăn là chủ động sắp xếp công việc tham gia. Nhiều người bạn của tôi cũng vì trân trọng hoạt động ý nghĩa này mà sẵn sàng đóng góp kinh phí hoặc thực phẩm để cùng tôi duy trì bếp ăn. Tôi cũng đã mua tủ điện để nấu cơm và mua ô tô để vận chuyển cơm tới viện. Nấu cơm dành tặng cho bệnh nhân, nhất là người bệnh nghèo sẽ là hoạt động mà tôi cố gắng duy trì lâu dài.

Nhận suất cơm nóng hổi do nhà hàng Ba Nhất phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng, chị Nguyễn Thị Bắc, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh xúc động: Tôi điều trị ở viện khá nhiều ngày rồi. Gia đình tôi ở xa, thuộc diện khó khăn. Vì vậy, khi nhận được suất cơm miễn phí do nhà hàng Ba Nhất trao tặng, tôi rất xúc động. Không chỉ giúp chúng tôi đỡ một khoản chi phí cho bữa ăn, quan trọng hơn nữa là những tình cảm, sự quan tâm thiết thực ấy của các nhà hảo tâm  tiếp thêm cho chúng tôi động lực, có thêm niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Sau này sức khỏe tốt lên, tôi được xuất viện, nếu ở quê tôi cũng có những hoạt động như thế này thì tôi sẽ tích cực tham gia.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục bếp ăn tình thương dành cho người bệnh. Trong đó, có 12 bếp ăn thường xuyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức nấu và trao suất ăn miễn phí tới người bệnh. Để chăm chút cho những bếp ăn tình thương luôn "đỏ lửa", đó là nỗ lực rất lớn của những nhà hảo tâm. 

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: Bản thân tôi rất xúc động và biết ơn những tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm ở khắp nơi đã dành nhiều tình cảm, vật chất cho các bếp ăn từ thiện. Nhờ sự hỗ trợ này mà những bữa ăn đến với bệnh nhân nghèo luôn được chăm chút đầy đủ dinh dưỡng, ấm áp nghĩa tình cộng đồng. Những suất ăn ấy không đơn thuần là duy trì sự sống, mà đó còn là cách để cộng đồng gieo gửi niềm tin, đánh thức khát vọng, giúp người bệnh được động viên, chia sẻ, thêm kiên cường vượt lên và chiến thắng bệnh tật./.

 


Tác giả: Đào Hằng - Phùng Luyến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 74
Hôm qua : 121
Năm 2024 : 40.216
Năm trước : 64.366
Tổng số : 283.159