I. HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN CHỮ THẬP ĐỎ LÀ GÌ ?

1. Hoạt động tình nguyện chữ thập đỏ là hoạt động tự nguyện, không vụ lợi nhằm trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương trong xã hội dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tuân thủ Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Luật hoạt động chữ thập đỏ.

2. Hoạt động tình nguyện chữ thập đỏ bao gồm các hoạt động của cá nhân tình nguyện viên và hoạt động của các đội hình tình nguyện viên chữ thập đỏ (hoạt động tập thể). 

II. TÌNH NGUYỆN VIÊN CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM LÀ AI ?

1. Là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; tự nguyện tham gia hoạt động chữ thập đỏ do các cấp Hội tổ chức.

2. Có khả năng, điều kiện tham gia hoạt động chữ thập đỏ, đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể của cấp Hội nơi tình nguyện viên đăng ký hoạt động.

3. Tuân thủ Luật hoạt động chữ thập đỏ, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Tình nguyện viên chữ thập đỏ.

4. Trường hợp người nước ngoài tình nguyện tham gia hoạt động chữ thập đỏ tại Việt Nam, thực hiện theo qui định của pháp luật Việt Nam.

III. Danh hiệu tình nguyện viên chữ thập đỏ

1. Tình nguyện viên cấp 1 (Tình nguyện viên hạng Bạch kim) 

2. Tình nguyện viên cấp 2 (Tình nguyện viên hạng Vàng) 

3. Tình nguyện viên cấp 3 (Tình nguyện viên hạng Bạc) 

4. Tình nguyện viên hoạt động 

IV. Nhiệm vụ của Tình nguyện viên chữ thập đỏ Việt Nam  

1. Tuyên truyền, bảo vệ và nâng cao uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bảo vệ Biểu tượng Chữ thập đỏ và Biểu trưng Chữ thập đỏ Việt Nam.

2. Tham gia các hoạt động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức; vận động đóng góp và trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ, uy tín, kỹ năng, tiền, hàng cho các hoạt động chữ thập đỏ theo khả năng và điều kiện của mình.

3. Sinh hoạt định kỳ theo đội, nhóm tình nguyện chữ thập đỏ (đối với các tình nguyện viên đăng ký tham gia đội).

4. Rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng tốt nhất các nhiệm vụ được giao; phối hợp với các lực lượng trong và ngoài Hội khi thực hiện nhiệm vụ tình nguyện; đề xuất với cấp Hội những sáng kiến, giải pháp phát triển công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.

5. Có mặt kịp thời, đáp ứng nhanh nhất các hoạt động chữ thập đỏ diễn ra trên địa bàn.

6. Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của Đội tình nguyện viên (nếu  đăng ký tham gia Đội).

7. Tuỳ điều kiện và khả năng, tình nguyện viên chữ thập đỏ có nhiệm vụ tham gia hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội.

V. Quyền lợi của tình nguyện viên chữ thập đỏ

1. Được phân công nhiệm vụ phù hợp với nguyện vọng, điều kiện và khả năng.

2. Được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; được chia sẻ thông tin và tham gia xây dựng tổ chức Hội, đóng góp ý kiến cho các hoạt động của Hội.

3. Được cấp thẻ và sử dụng đồng phục tình nguyện viên chữ thập đỏ theo cấp bậc. Việc cấp thẻ chỉ áp dụng với các tình nguyện viên tham gia tình nguyện thường xuyên với hoạt động Hội.

4. Được hỗ trợ các điều kiện, trang thiết bị cần thiết khi tham gia hoạt động theo khả năng thực tế của các cấp Hội.

5. Được tôn vinh, khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng khi có thành tích, đóng góp xuất sắc cho các hoạt động chữ thập đỏ.

6. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, được Hội giúp đỡ khi bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn.

7. Trong khi làm nhiệm vụ, tình nguyện viên chữ thập đỏ bị thiệt hại về tài sản, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì được Hội Chữ thập đỏ đề nghị giải quyết quyền lợi theo quy định của pháp luật.

8. Tình nguyện viên cấp 1 (Tình nguyện viên hạng Bạch kim):

a) Được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tình nguyện, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ do Trung ương Hội tổ chức.

b) Được tham gia các khóa đào tạo trở thành Hướng dẫn viên/Tập huấn viên cấp quốc gia trong các lĩnh vực công tác Hội (khi đáp ứng đủ điều kiện và phù hợp với lĩnh vực mà tình nguyện viên có đóng góp cho hoạt động Hội).

c) Được xem xét tham gia các chương trình tình nguyện viên quốc tế trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (khi đáp ứng yêu cầu của chương trình và tổ chức Hội); được xem xét đề nghị Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế xét công nhận danh hiệu "Tình nguyện viên quốc tế".

9. Tình nguyện viên cấp 2 (Tình nguyện viên hạng Vàng):

a) Được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tình nguyện, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ do tỉnh, thành Hội tổ chức.

b) Được tham gia các khóa đào tạo trở thành Hướng dẫn viên/Tập huấn viên cấp tỉnh trong các lĩnh vực công tác Hội (khi đáp ứng đủ điều kiện và phù hợp với lĩnh vực mà tình nguyện viên có đóng góp cho hoạt động Hội).

10. Tình nguyện viên cấp 3 (Tình nguyện viên hạng Bạc) được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tình nguyện, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ do Hội cấp huyện tổ chức.

VI. Trách nhiệm của tình nguyện viên chữ thập đỏ

1. Tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Chấp hành sự quản lý, phân công nhiệm vụ của cấp Hội quản lý và lãnh đạo Đội/Câu lạc bộ tình nguyện viên (trong trường hợp đăng ký tham gia đội/câu lạc bộ) và các quy định tại Quy chế này.

3. Tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể của cấp Hội nơi tình nguyện viên chữ thập đỏ sinh sống, công tác.

4. Trả lại thẻ cho cấp Hội quản lý (cấp công nhận tình nguyện viên) nếu không tham hoạt động tình nguyện chữ thập đỏ từ 01 năm trở lên. Ban Thường vụ của cấp Hội quản lý tình nguyện viên thu hồi và hủy Thẻ tình nguyện viên theo quy định. Tình nguyện viên không được cho mượn thẻ.

5. Nếu vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ Hội Chữ thập đỏ, sử dụng thẻ sai mục đích sẽ bị các cấp Hội đình chỉ hoạt động hoặc xóa tên và tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

VIINội dung hoạt động chính của tình nguyện viên

1. Các hoạt động theo các nhiệm vụ của Hội:

a) Công tác xã hội nhân đạo;

b) Chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng;

c) Hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo;

d) Phòng ngừa và ứng phó thảm họa;

e) Tuyên truyền các giá trị nhân đạo.

2. Các hoạt động chuyên biệt:

a) Các hoạt động nghệ thuật;

b) Các hoạt động tương tác trên mạng xã hội;

b) Đại sứ nhân ái trong các chiến dịch truyền thông, vận động quỹ của Hội và tuyên truyền các giá trị nhân đạo;

b) Các hoạt động đặc thù từng địa phương: xây cầu, trợ táng, bếp ăn tình thương, xe vận chuyển bệnh miễn phí...;

c) Các hoạt động theo các chiến dịch, sự kiện: Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ, Tháng nhân đạo, Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam...