A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

"Nối dài" sự sống cho những cuộc đời ở lại!

Ngày 13/8 là Ngày Thế giới hiến tạng. Đây là dịp để toàn xã hội bày tỏ lòng tri ân đối với những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể sau khi qua đời để tiếp nối sự sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và thành phố đến thăm hỏi, tri ân gia đình người hiến tạng nhân ngày Thế giới hiến tạng 13/8.

Hơn 1 năm, sau ngày chị Hoài Thương, ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) ra đi vì bạo bệnh, chúng tôi có dịp trở lại thăm gia đình vào một ngày trung tuần tháng 8, để được cùng với các cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh thắp nén nhang tri ân nghĩa cử cao đẹp mà chị Hoài Thương để lại cho cuộc đời.

Hai người con của chị Thương ngày càng khôn lớn, con trai cả đã đỗ vào trường Đại học Y Thái Bình, còn cô con gái thứ 2 đang học lớp 7 rất tự lập và chăm ngoan, học giỏi. Chồng chị cũng đã được cơ quan tạo điều kiện về công tác gần nhà để tiện chăm sóc con gái. Các thành viên trong gia đình đã phải dần thích nghi với cuộc sống thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ tảo tần.

Nén niềm xúc động, anh Nguyễn Ngọc Anh, chồng chị Hoài Thương cho biết: Ngày đưa vợ tôi đi mổ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vợ tôi vẫn tràn đầy lạc quan và động viên gia đình không nên quá lo lắng. Nhưng cô ấy đã không vượt qua được ca phẫu thuật. Vợ tôi đã ra đi chỉ sau hơn 1 tháng khi phát hiện ra bệnh u não. Đây là cú sốc vô cùng lớn đối với cả gia đình, đặc biệt là hai đứa con nhỏ.

"Khi các bác sĩ thông báo tình hình của Thương, chị gái của vợ tôi đã có một tâm nguyện là giúp Thương thực hiện nghĩa cử cao đẹp hiến tạng để cứu chữa cho những người bệnh đang cận kề cái chết. Tuy ngắn ngủi, song vợ tôi đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đẹp đẽ nhất. Một phần cơ thể của vợ tôi vẫn sống để viết tiếp ước mơ cho những cuộc đời khác. Đó là niềm an ủi phần nào cho mất mát lớn lao này của gia đình"- anh Ngọc Anh xúc động.

Chị Nguyễn Thị Hải ở phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) là con gái thứ 4 của cụ Nguyễn Đức Mùi, người đã hiến tặng giác mạc trước khi qua đời tròn 1 năm trước. Tự hào kể với người cha quá cố, chị Hải cho biết: Khi còn sống, bố tôi luôn hướng chúng tôi làm những điều tích cực cho cộng đồng. Bố tôi nguyên là cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố, vì vậy ông cũng có cơ hội làm nhiều việc thiện. Ông đã viết đơn đăng ký hiến tặng giác mạc từ năm 2008. Nguyện vọng trước khi mất của ông đã được mẹ và chúng tôi thực hiện trọn vẹn. Nghĩ về bố, là trong tôi trào dâng niềm xúc động xen lẫn tự hào. Bố tôi đã sống một cuộc đời nhẹ nhàng, vun đắp nhiều mầm thiện, khi ông ra đi cũng thanh thản, ý nghĩa.

Việc làm cao cả của gia đình chị Hoài Thương, ông Nguyễn Đức Mùi… không chỉ thắp lên sự sống, mở ra một cuộc đời mới cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo thông qua nghĩa cử hiến mô, tạng, mà qua đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, thắp lên ngọn lửa nhân ái, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về công tác hiến mô, tạng.

Chị Tô Thị Thắm (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) tìm lại ánh sáng nhờ giác mạc được hiến tặng.

 

Nhìn lại trong những năm qua, công tác truyền thông, vận động nhân dân hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đa số người dân. Năm 2007, bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi huyện Kim Sơn đã tình nguyện hiến giác mạc. Đây là trường hợp đầu tiên của tỉnh cũng như Việt Nam tình nguyện hiến giác mạc, là bước ngoặt mở ra tương lai cho các bệnh nhân đang chờ ghép giác mạc.

Theo số liệu từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 101 người đăng ký hiến mô, tạng, nâng tổng số người đăng ký hiến mô, tạng đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh là trên 15.200 người. Trong đó, đã có 3 người hiến mô, tạng cứu sống hàng chục người bệnh hiểm nghèo đang cận kề cái chết; 503 người hiến giác mạc mang lại nguồn ánh sáng quý giá cho người bị bệnh lý về giác mạc.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Những nghĩa cử cao đẹp của người hiến mô, tạng và thân nhân đã để lại niềm xúc động lớn đối với những người làm công tác nhân đạo như chúng tôi. Thực tế cho thấy, mặc dù  nhiều người hiểu rất rõ, hiến mô, tạng là hành động cứu người song cũng không dễ dàng thực hiện bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải "chết nguyên vẹn" đã ăn sâu trong tiềm thức. Việc hiến tặng mô tạng phải dựa trên sự tự nguyện không chỉ của bản thân người hiến mà còn của người thân. Vì vậy, cán bộ Hội phải tuyên truyền, vận động theo phương châm "mưa dầm thấm lâu".

Chúng tôi cũng xác định rất rõ, việc vận động hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời là một hoạt động khó khăn. Ngoài kiến thức vững vàng về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì những người thực hiện tuyên truyền cần phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử tốt. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn công tác vận động đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận, cơ thể người cho cán bộ Hội cơ sở, nhất là những đơn vị chưa có người hiến giác mạc trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát động trong toàn Hội đăng ký hiến mô, tạng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân… Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến mô, tạng cứu người.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép mô, tạng quốc gia và Viện mắt Trung ương hàng năm tổ chức lễ tôn vinh những người đã tình nguyện hiến mô, tạng, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, để từ đó có thêm nhiều hơn nữa những câu chuyện cổ tích được viết nên giữa đời thường.

Đào Hằng - Phùng Luyến

 


Tác giả: Đào Hằng - Phùng Luyến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 55
Hôm qua : 132
Năm 2024 : 33.174
Năm trước : 64.366
Tổng số : 276.117