• :
  • :
Chào mừng đến với hội chữ thập đỏ Ninh Bình
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa thông điệp “cho đi là còn mãi”

Hiến mô, tạng sau khi chết, chết não là một việc làm đậm chất nhân văn nhằm thắp sáng sự sống, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác. Tuy vậy, do có nhiều rào cản về tâm linh, thời gian qua, công tác hiến mô, tạng ở các địa phương trong phạm vi cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đòi hỏi công tác tuyên truyền cần phải thay đổi hơn nữa về chất lượng nhằm kịp thời lan tỏa thông điệp “cho đi là còn mãi”.
Được thông báo có buổi vận động đăng ký hiến mô, tạng do Hội vận động hiến mô tạng Việt Nam, Hội ghép tạng Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tổ chức, ông Đặng Ngọc Minh ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) có mặt từ khá sớm. Sau khi đọc các tài liệu và nghe các Giáo sư đầu ngành về ghép mô, tạng khái quát về thực trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang khắc khoải chờ đợi được ghép gan, thận, tim… từ nguồn hiến tặng mô, tạng quốc gia nhằm kéo dài sự sống, ông Minh đã viết đơn tình nguyện hiến mô, tạng nếu không may qua đời. Ông Minh cho rằng, thực ra, trong quan niệm từ bao đời nay, chết thì phải được toàn thây, nó đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy muốn thay đổi được không phải một sớm một chiều. Bản thân ông cũng thế, trước đây chưa bao giờ ông từng nghĩ mình sẽ hiến mô, tạng nếu không may qua đời. Tuy vậy, thời gian qua, được nghe các cấp Hội Chữ thập đỏ của tỉnh tuyên truyền, đồng thời có những tấm gương cụ thể giữa đời thường như bé Hải An ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời ở tuổi lên 7; thiếu tá Lê Hải Ninh và rất nhiều tấm gương khác đã thực sự làm thay đổi nhận thức trong ông. Ông thuyết phục con, cháu trong gia đình để ông tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Không chỉ những người cao tuổi mà các bạn trẻ cũng có mặt khá đông tại buổi lễ phát động và tình nguyện viết đơn hiến tặng. Bạn Ngô Thị Lụa ở phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) cho biết: trước khi viết đơn tình nguyện, em có trao đổi với bố mẹ mình. Ban đầu, bố mẹ phản đối quyết liệt lắm, nhưng em kiên trì thuyết phục, “mưa dầm thấm lâu” cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý để em thực hiện ý nguyện của mình. Em tin rằng, “sinh có hẹn, tử bất kỳ”, vì vậy, nếu ai đó quyết định hiến mô, tạng thì họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống được bao nhiêu người. Hơn thế, khi một người ra đi với ý nguyện hiến mô, tạng cho đời thì người đó thực sự “sống mãi” trong niềm yêu thương, tôn kính của mọi người. Em cũng vận động nhiều bạn bè cùng tới tham gia lễ phát động và đăng ký hiến mô, tạng hôm nay.

Với phương châm vận động “mưa dầm thấm lâu”, với sự nhiệt tình, của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 15 nghìn người đăng ký hiến mô, tạng và có gần 300 người hiến giác mạc thành công, đem lại ánh sáng cho 562 người bị mù lòa sau khi được ghép giác mạc. Đặc biệt, tháng 2/2018, Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình đã vận động gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh- người có nguy cơ bị chết não sau một vụ tai nạn ở thành phố Tam Điệp tình nguyện hiến mô, tạng cứu người. Việc làm cao cả của gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp, Ninh Bình trở thành đơn vị đứng đầu toàn quốc về công tác vận động hiến mô, tạng.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp, tạo động lực cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tích cực hơn nữa trong công tác vận động hiến mô, tạng, vừa qua Hội đã phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào hiến mô, tạng cứu người. Buổi phát động đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, trong đó có rất nhiều các bạn trẻ. Đoàn xe cổ động mang thông điệp hiến tặng mô tạng cứu người tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi” tới mọi người dân. Ngay sau lễ phát động, đã có hơn 200 người đã đăng ký hiến mô, tạng. Cùng với hoạt động tuyên truyền, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp nhân dân về Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Phối hợp với Trung tâm điều phối ghép mô, tạng quốc gia và Viện mắt Trung ương hàng năm tổ chức Lễ tôn vinh những người đã tình nguyện hiến mô, tạng. Tổ chức tập huấn công tác vận động đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận, cơ thể người cho cán bộ hội cơ sở, nhất là những đơn vị chưa có người hiến giác mạc trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát động trong toàn hội đăng ký hiến mô, tạng, tạo hiệu ứng lan toả tới các tầng lớp nhân dân, để có nhiều hơn nữa những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.


Nguồn: chuthapdoninhbinh.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 54
Hôm qua : 91
Năm 2024 : 42.025
Năm trước : 64.366
Tổng số : 284.968